Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Siết đầu tư công

Siết đầu tư công

Các dự án có vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải được rà soát  kỹ để xác định chính xác tổng mức đầu tư cần thiết.Tuy nhiên, liệu điều này có làm cho đại cuộc tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn tốt hơn.

Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Soi các dự án trên 10.000 tỷ

Theo yêu cầu mới nhất từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan rà soát lại các dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên để xác định chính xác tổng mức đầu tư cần thiết, bảo đảm đầu tư dự án tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Và thực ra cũng không quá khó để kể tên những dự án đầu tư công vốn chục nghìn tỷ. Chẳng hạn như dự án đầu tư dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng giá trị dự án lên đến gần 10,000 tỷ đồng.

Các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý luôn có cái nhìn e ngại đối với đầu tư công. Bởi nhiều bộ ngành, địa phương xem đây là “chùm khế ngọt”.  Nhiều bộ ngành phê duyệt dự án nhưng không có phương án kiểm duyệt dẫn đến tình trạng đội vốn khủng. Và thực tế cũng chỉ ra, khó tìm được một dự án đầu tư công nào mà không được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.

Chẳng hạn, tình trạng hàng loạt dự án tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt lần đầu với số vốn rất cao. Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tăng 20.920 tỉ đồng, tăng 0,85 lần so với tổng mức đầu tư (TMĐT) phê duyệt lần đầu; Dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 tăng 10.515 tỉ đồng, tăng 0,89 lần; Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tăng 10.148 tỉ đồng, tăng 0,5 lần; Dự án Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu tăng 6.096 tỉ đồng, tăng 0,8 lần; Dự án tuyến đường bộ mới Phủ Lý – Mỹ Lộc (BT) tăng 1.183 tỉ đồng; Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ tăng 775 tỉ đồng….

Bên cạnh đó, không ít các dự án có điều chỉnh tăng quy mô mà vẫn được chấp nhận. Ví dụ như dự án đường nối khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội) đến khu du lịch Tam Chúc-Khả Phong (Hà Nam) tăng 122,2 tỉ đồng, bằng 3,8 lần TMĐT được phê duyệt lần đầu hay 30 dự án ở Lào Cai tăng 203 tỉ đồng, tăng 0,26 lần TMĐT được phê duyệt lần đầu.

Thực ra do công tác thẩm định, giám sát, đánh giá dự án đầu tư tại Việt Nam còn hạn chế nên dẫn đến hiệu quả đầu tư công rất thấp, góp phần làm tăng nợ công. Và hiện nay các dự án nghìn tỷ vẫn được triển khai, do vậy và công tác  sàng lọc, loại bỏ các dự án đầu tư không khả thi, không đảm bảo hiệu quả kinh tế – xã hội là cần thiết.  Đầu tư công kém hiệu quả vừa dẫn đến các bất ổn vĩ mô, vừa làm giảm năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế trong ngắn và dài hạn. Vì vậy, nhu cầu tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư khu vực Nhà nước cần phải được ưu tiên hàng đầu trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Lựa chọn kỹ trong đầu tư

Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, vai trò của Nhà nước trong đầu tư công thì rõ nhưng nguồn lực và năng lực Nhà nước có hạn nên phải lựa chọn kỹ càng trong đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thẳng thắn cho rằng, trong điều kiện ngân sách ít thì nên lựa chọn dự án nào là tốt nhất để đầu tư. Trong thời gian gần đây, vấn đề đầu tư công lại nổi lên với câu chuyện các địa phương xin xây dựng khu hành chính tập trung hoành tráng… Đầu tư công cần ưu tiên theo trật tự cơ sở hạ tầng công và dịch vụ công, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất đầu tư công vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp.

Giới chuyên gia cho rằng, cơ cấu lại đầu tư công phải liên hệ mật thiết với quá trình cải cách hành chính, xã hội hoá và thị trường hoá trong các lĩnh vực dịch vụ công như giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, một số dịch vụ quản lý hành chính, văn hoá, thể thao. Cơ cấu lại đầu tư công theo ngành đi trước, làm cơ sở để cơ cấu lại đầu tư công trong từng ngành, từng lĩnh vực.

GS. TS Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam bình luận, tình hình đổi mới đầu tư công chúng ta thấy có hành động, có kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn, tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả chưa thực sự được giải quyết triệt để.

   H.Hương

ĐẠI ĐOÀN KẾT