Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tái cấu trúc kinh tế – đường mỗi ngày một xa (03/10/2014)

Tái cấu trúc kinh tế – đường mỗi ngày một xa (03/10/2014)

Báo cáo giám sát về thực hiện tái cơ cấu kinh tế vừa trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một kết quả không bất ngờ. Vừa mới trước đó vài ngày, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương khi được hỏi về việc tái cấu trúc đã làm được gì và làm được đến đâu, đã trả lời rằng: “Chưa làm được gì”.

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra rất chậm chạp
Kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy việc đạt được mục tiêu bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế vào năm 2015 là hết sức khó khăn. Tới mức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải thốt lên: “Tôi thấy còn nhiều vấn đề lắm. An ninh tài chính bị đe dọa, bội chi vẫn lớn, trả nợ là vấn đề vì chúng ta phải vay để đảo nợ rồi”.
Những lo ngại của rất nhiều chuyên gia kinh tế và các thành viên Quốc hội vào thời điểm này về tính khả thi của việc tái cấu trúc nền kinh tế là có cơ sở. Khi nhìn nhận tái cấu trúc ở cả 3 trụ cột là tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cấu trúc đầu tư công đều chưa nhìn thấy sự chuyển động của quá trình này.
Riêng ở lĩnh vực ngân hàng, nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên sự lo ngại. Trước đó vài ngày, phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất nóng khi lần đầu tiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thừa nhận vào thời điểm bắt tay vào tái cấu trúc, nợ xấu ước tính lên đến xấp xỉ 500.000 tỉ đồng, dù sau đó có ông đã làm yên lòng Quốc hội bằng thông tin đã xử lý được 249.000 tỉ đồng.
Bình luận về những con số này, nhiều chuyên gia kinh tế đã tỏ ra nghi ngại rằng trong thực tế, nợ xấu có thể còn lớn hơn rất nhiều, hơn con số 500.000 tỉ đồng rất sốc. Riêng con số 249.000 tỉ đồng đã xử lý được, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định đó có thể là khoản đảo nợ, tức là từ số nợ xấu nhưng vay tiền mới đảo vào khiến nợ xấu biến đi trở thành nợ chưa xấu. Mà đối với nền kinh tế đảo nợ không thể gọi là đã giải quyết được nợ xấu.
Ở trụ cột thứ 2 của quá trình tái cấu trúc là DNNN, dù Chính phủ đã nhiều lần tạo sức ép, thậm chí có những tuyên bố sẽ “trảm tướng”, tính tới tháng 9-2014, mới có 65 DNNN tiến hành cổ phần hóa – một tỉ lệ rất thấp so với mục tiêu tới năm 2015 hoàn thành cổ phần hóa 432 DN. Đó là chưa kể trong 65 DN đang tiến hành cổ phần hóa, chất lượng cổ phần hóa gần như không đạt, việc giảm tỉ lệ vốn sở hữu của nhà nước, thoái vốn vẫn được các DN làm lấy lệ, không đúng với bản chất cổ phần hóa. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định: “Tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến mang tính đột phá, nhất là phân bổ lại nguồn lực và phương thức quản trị DN hiện đại phù hợp với xu hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường. Tiến độ thoái vốn còn chậm, tổng số tiền thu về còn thấp so với yêu cầu, phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ nên khó thu hút được nhà đầu tư”.
Ở lĩnh vực thứ ba là đầu tư công, Báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, đầu tư công vẫn đóng vai trò quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bởi vì cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia khu vực công có sinh lời. Và như chính lo ngại của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, bội chi vẫn lớn, nợ công đang là vấn đề đe dọa an ninh tài chính.
Điểm qua cả 3 lĩnh vực cần tái cấu trúc như ở trên đều chưa nhìn thấy một kết quả khả quan mà chỉ thấy “ngổn ngang những việc chưa làm được, chưa đạt yêu cầu”. Bức tranh ấy cho thấy từ nay đến 2015, mục tiêu “đảm bảo hoàn thành cơ bản cơ cấu nền kinh tế vào năm 2015” như Nghị quyết của Quốc hội sẽ có cơ sở gì để thực hiện được?
Tất cả những vấn đề tồn tại của nền kinh tế mà các chuyên gia chỉ ra tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu vừa qua đều không mới mẻ. Chính vì những vấn đề như vậy, chúng ta mới tiến hành một đề án lớn, tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Nhưng sau một chặng đường đi, đích đến vẫn xa vời vợi. Có những tồn tại chẳng những không giảm đi mà còn tăng tỉ lệ lên như nợ xấu vẫn đang phát triển. Vậy là đúng như chuyên gia Nguyễn Đình Cung nhận định, công cuộc tái cấu trúc dù nỗ lực nhiều, quyết liệt nhưng kết quả không được bao nhiêu. Thậm chí chuyên gia này còn cho rằng, nếu tái cấu trúc không đúng hướng, đúng phương pháp thì không những không làm thay đổi mà còn làm méo mó thêm thị trường, thậm chí làm xấu đi chứ không phải tốt hơn.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Câu hỏi ấy được đặt ra gay gắt trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Câu hỏi ấy là câu hỏi của nhân dân mà chừng nào trách nhiệm của từng cấp, từng ngành chưa được làm rõ thì những nút nghẽn cản trở quá trình tái cấu trúc vẫn tồn tại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020. Gợi ý của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý rằng nợ xấu là một vấn đề xã hội nên có thể vận động nhân dân góp tiền vàng xử lý nợ xấu là một giải pháp từ kinh nghiệm của nước ngoài. Nhưng nếu nhân dân biết nợ xấu đã được hình thành như thế nào cũng như không có ai phải chịu trách nhiệm trong việc để nợ xấu thành một con số rất lớn thì không thể coi đó là giải pháp để nói với nhân dân (trong lịch sử dân tộc đã từng có một Tuần lễ vàng nhưng đó là dành cho độc lập dân tộc và kiến quốc).
Khi đã nhìn rõ những mục tiêu khó có thể hoàn thành, phải chăng bây giờ là lúc nên nhìn nhận thẳng thắn vào thực trạng để tìm nguyên nhân nhằm có giải pháp đúng đắn hơn, rằng thực ra tới 2015, chúng ta chỉ có thể làm được đến đâu.
Cẩm Thúy