Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tận dụng điều kiện, tìm thị trường mới

Tận dụng điều kiện, tìm thị trường mới

Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cả nước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014. Có thể nói đây là mức tăng thấp và thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch là duy trì tốc độ tăng trưởng KNXK 10%. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu nhận diện những bất lợi để tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tới…

Dệt may là một trong những mặt hàng đạt mức xuất khẩu cao của Việt Nam. Ảnh: Viết Thành
Dệt may là một trong những mặt hàng đạt mức xuất khẩu cao của Việt Nam. Ảnh: Viết Thành

Hoạt động xuất khẩu vừa qua có hai nhóm hàng KNXK giảm và hai nhóm tăng. Trước hết, KNXK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản mới đạt 6,4 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với giảm 582 triệu USD). Trong đó, một số mặt hàng có KNXK giảm do yếu tố mùa vụ như: Thủy sản giảm 15%; cà phê giảm 38,3%; gạo giảm 5%. Một số mặt hàng có KNXK tăng như: Rau quả tăng 21,6%; nhân điều tăng 25,2%; chè các loại tăng 2,8%; hạt tiêu tăng 2,1%. Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 3,2% trong tổng KNXK và giảm 46,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do sự thay đổi và giảm nhu cầu sử dụng khoáng sản bên cạnh sự biến động về giá trên thị trường thế giới. Riêng KNXK than đá giảm 65,8%; dầu thô giảm 44,5%; xăng dầu các loại giảm 57,7%…

Tuy nhiên, nhóm hàng chủ đạo và quan trọng nhất, thể hiện rõ sức mạnh của nền kinh tế là nhóm hàng công nghiệp chế biến lại đạt KNXK 39 tỷ USD, chiếm tới gần 78% tổng KNXK cả nước. Những sản phẩm nổi lên, góp phần vào kết quả nói trên, gồm: Hóa chất; túi sách, vali, mũ, ô dù; mây, tre, cói, thảm; hàng dệt và may mặc; giày dép các loại; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh; điện thoại các loại và linh kiện tăng; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa khác cũng đạt KNXK 3 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá, kết quả xuất khẩu 4 tháng đầu năm là khá thấp do sự suy giảm của nhóm hàng nông, thủy sản dưới ảnh hưởng của yếu tố thời điểm mùa vụ cũng như thiếu vắng những đơn hàng lớn. Cũng do KNXK còn hạn chế trong khi hoạt động nhập khẩu đang tăng trở lại, khiến nền kinh tế đã nhập siêu gần 3 tỷ USD.

Để chấm dứt tình trạng “xôi đỗ” trong xuất khẩu, cần phải tận dụng các điều kiện thuận lợi, tìm kiếm thị trường mới. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, công tác tìm thị trường, mở rộng quy mô xuất khẩu thông qua các biện pháp chủ đạo như xúc tiến thương mại, thúc đẩy quá trình đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như thực hiện những cam kết mở cửa thị trường với đối tác quốc tế… sẽ vẫn là biện pháp quan trọng để cải thiện KNXK.

Trong một diễn biến mới, Việt Nam và Hàn Quốc vừa chính thức ký kết FTA, với những nội dung, quy định rất thông thoáng và chắc chắn sẽ mang lại hiệu ứng tích cực đối với khả năng tăng cường xuất khẩu của DN trong nước. Cụ thể, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thâm nhập thị trường mới nhờ cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của Hàn Quốc. Hàn Quốc sẽ tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu, chiếm 95,4% số dòng thuế đối với DN xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của ta như: Tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới bên cạnh một số hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí… với điều kiện thuận lợi. Việt Nam cũng là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang… (thuế suất những mặt hàng này rất cao 241-420%). Như vậy, điều kiện mới sẽ trực tiếp tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Các chuyên gia cho biết, môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng trong khuôn khổ FTA còn góp phần khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam; kèm theo đó là công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến cũng như cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba. Hơn nữa, hiện nay cũng đã thống nhất nội dung thỏa thuận thực thi các cam kết hợp tác kinh tế mà theo đó phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, nâng cao sức cạnh tranh của các lĩnh vực xuất khẩu bền vững như ngành nông sản, thủy sản, công nghiệp điện tử, lọc hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ…

Tin mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, đã có tín hiệu tích cực để nâng cao khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam, với việc một số đối tác Philippines, Malaysia và Indonesia đang đề cập khả năng ký hợp đồng mua hàng trăm nghìn tấn gạo của DN Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, các đơn vị xuất khẩu cũng được khuyến cáo nên chủ động tìm thị trường, cung cấp thông tin qua trang web, chủ động tham gia hội chợ, tranh thủ “nhặt” các đối tác nhập khẩu (dù kim ngạch nhỏ) tại khu vực Nam Mỹ, Châu Phi để nâng cao KNXK và đa dạng hóa thị trường.