Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tăng đầu tư công để cứu nền kinh tế

Tăng đầu tư công để cứu nền kinh tế

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn đang đeo bám. Một trong những giải pháp căn cơ để “cứu” nền kinh tế được đề xuất chính là đẩy nhanh đầu tư công để gia tăng tổng cầu cho toàn thị trường.

.

Tổng cầu đã về đáy

Lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây lạm phát tháng 5 đã ở mức âm, có thể nhận thấy mặt tích cực là chính sách vĩ mô kiểm soát lạm phát đã được tạo lập khá vững chăc nhưng mặt trái của nó lại lộ rõ: tổng cầu của nền kinh tế đang yếu. Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 đang dần trở lại xu hướng tăng với mức cao hơn cùng kỳ 2012, đạt 5,2%; hoạt động xuất nhập khẩu cũng có sự cải thiện rõ rệt với kim ngạch xuất khẩu đạt 10,8 tỷ USD nhưng vẫn có nhiều lo ngại khi chỉ nhận thấy sự trỗi dậy của nhóm doanh nghiệp FDI còn doanh nghiệp nội đã rất suy kiệt. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 5/2013 cả nước có 3.590 doanh nghiệp giải thế hoặc tạm ngừng hoạt động, tính 5 tháng đầu năm nay các doanh nghiệp “khai tử” lên tới 22.226 đơn vị, bằng gần một nửa số doanh nghiệp phá sản của các năm trước.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, bên cạnh tồn tại việc doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn thì tổng cầu của nền kinh tế còn yếu và chưa có sự cải thiện đáng kể là nỗi lo lớn nhất của nền kinh tế. Tính chung 5 tháng đầu năm, mức tăng của tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 4,8%, hầu như không cải thiện so với mức 4,6% của 4 tháng đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức 6,6% và 6,4% của 5 tháng đầu năm 2012 và 2011. So cùng kỳ năm trước, mức vận chuyển hàng hóa của 5 tháng đầu năm cũng chỉ tăng 1,5% và mức luân chuyển hàn hóa thậm chí giảm 3,1%.

Tăng tốc đầu tư công

Giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế trong giai đoạn này vẫn là những tồn tại được nhắc đến nhiều nhất: đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, gia tăng sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ ra những hướng đi cụ thể từ thực tế hiện nay, Ủy ban Giám sát đã đưa ra 3 kiến nghị với Chính phủ để điều hành chính sách vĩ mô những tháng còn lại của năm:

Thứ nhất, cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2013; ngoài các giải pháp hỗ trợ thị trường thì cần có những giải pháp mạnh hơn nhằm tạo cầu thông qua các đẩy mạnh tốc độ chi đầu tư công. Nguồn chi nên tập trung vào những công trình trọng điểm có qui mô lớn, những dự án có kế hoạch sớm hoàn thành trong năm 2013 và có thể hoàn thành trong năm 2014; tập trung vào việc bố trí vốn đối ứng ODA để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này, góp phần gia tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Thứ hai, chính sách tiền tệ cần nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm 2013 nhằm đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế; tiếp tục điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất cho vay tín dụng xuống khoảng 10% nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thời điểm thích hợp xóa bỏ qui định trần lãi suất huy động nhằm giúp thị trường tăng khả năng tự điều tiết.

Thứ 3, chính sách tài khóa cần sớm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản 94 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh các dự án đầu tư từ Ngân sách Nhà nước, tăng chi đầu tư công, tập trung vào hạ tầng cơ sở, những dự án dở dang có thể hoàn thiện sớm và đưa vào sử dụng; bố trí vốn đối ứng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, nhất là các dự án có ảnh hưởng lan tỏa rộng.

Nguồn : Baocongthuong.com.vn