Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Thế lực mới của ngành năng lượng

Thế lực mới của ngành năng lượng

Giá dầu đột ngột giảm gần 40% một phần do nhu cầu tiêu thụ giảm vì khủng hoảng kinh tế. Nhưng mặt khác là do cuộc “tấn công” của các mỏ dầu đá phiến khổng lồ khiến các quốc gia dầu mỏ truyền thống nao núng.

Thế lực mới của ngành năng lượng

Ả rập, nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, vừa tuyên bố giảm giá dầu thô bán cho Mỹ và các khách hàng châu Á. Động thái này được cho là một nỗ lực tiếp theo của quốc gia dầu lửa này nhằm bảo vệ thị phần trong bối cảnh giá dầu quốc tế liên tục lập đáy.

Sau 4 năm lập đỉnh cao nhất trong lịch sử bất chấp các biến động kinh tế, giá dầu đã giảm mạnh vào giữa năm 2014. Các yếu tố cơ bản dẫn đến đà giảm gần 40% giá dầu là do kinh tế toàn cầu trì trệ khiến lượng dầu tiêu thụ thấp hơn dự báo.

Một phần khác là do chính bản thân OPEC khi nhóm này sản xuất vượt nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, trong một phân tích khác,The Economist đề cập những thế lực dầu đá phiến ở các bang North Dakota và Texas của nước Mỹ.

Nhà phân tích Carsten Fritsch thuộc Commerzbank nhận xét “Đợt giảm giá dầu của Ả rập cho châu Á giống như một lời tuyên chiến với các nhà sản xuất dầu đá phiến của nước Mỹ”.

Dầu đá phiến được coi là một cuộc cách mạng về năng lượng mà nước Mỹ đang có ưu thế dẫn đầu. Kể từ năm 2010, khoảng 20.000 giếng mới đã được hoàn thành, sản lượng dầu của Mỹ tăng thêm 1/3, lên gần 9 triệu thùng/ngày và chỉ kém Saudi Arabia 1 triệu thùng.

Cuộc cạnh tranh giữa dầu từ khí đá phiến và dầu mỏ đã đẩy thế giới từ trạng thái thiếu dầu sang thừa dầu, khiến giá dầu liên tục giảm giá.

Giá dầu giảm có tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Mức giá giảm gần 40 USD tương ứng với 1.300 tỷ USD/thùng được chuyển từ nhà sản xuất sang người tiêu dùng.

Cách mạng dầu đá phiến

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), trữ lượng dầu đá phiến toàn thế giới là 345 tỷ thùng, trong đó Nga là nước đứng đầu với trữ lượng 75 tỷ thùng.

Tiếp sau đó là Mỹ, Trung Quốc, Argentina và Libya với trữ lượng lần lượt là 58, 32, 27 và 26 tỷ thùng.

Trữ lượng khí đá phiến toàn thế giới là 206.000 tỷ mét khối.

Đứng đầu trong danh sách này là Trung Quốc, theo sau là Argentina, Algeria, Mỹ và Canada với trữ lượng lần lượt là 32.000, 23.000, 20.000, 19.000 và 16.000 tỷ mét khối.

Như vậy, trữ lượng dầu đá phiến (345 tỷ thùng) chỉ chiếm một phần mười tổng trữ lượng dầu thô trên toàn thế giới, và trữ lượng khí đá phiến (206.000 tỷ mét khối) chiếm khoảng một phần ba tổng trữ lượng khí đốt toàn thế giới.

Các nước nhập khẩu nhiều dầu như khu vực Eurozone, Ấn Độ, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đang hưởng lợi từ xu hướng giảm của giá dầu. Vì tiền sẽ được chi tiêu thay vì tiết kiệm như trước, GDP toàn cầu sẽ tăng lên.

Giá dầu giảm cũng khiến chỉ số giá tiêu dùng giảm, khuyến khích các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa vội nâng lãi suất trong khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hành động quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống giảm phát.

Ngược lại, cũng có nhiều quốc gia thiệt hại vì giá dầu giảm, đặc biệt là các nước sản xuất dầu. Đồng ruble đã lập đáy mới khi triển vọng kinh tế Nga ảm đạm hơn với đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Nigeria buộc phải nâng lãi suất và phá giá đồng naira. Venezuela tiến gần hơn đến bờ vực phá sản khi sẽ phải cố gắng tự vượt qua tình trạng “rơi tự do” về kinh tế mà không có sự trợ giúp nào từ giá dầu – mặt hàng chiếm 95% doanh thu xuất khẩu.

Cuộc chiến giữa dầu đá phiến và dầu mỏ đang ở giai đoạn bước ngoặt thay đổi cán cân ngành công nghiệp năng lượng. Một vài thành viên của OPEC muốn cắt giảm sản lượng để kéo giá lên.

Trong khi đó, với lợi thế tài chính, Ả rập lại có xu hướng để giá dầu giảm cho đến khi bên nào sản xuất dầu với chi phí quá cao sẽ phải phá sản. Sau đó, Ả rập sẽ tái lập lại thị trường theo ý muốn của mình.

Tuy nhiên, các nhà khai thác dầu đá phiến đang có ưu thế lớn khi có chi phí đầu tư thấp hơn nhưng sản lượng cao hơn. Hãng nghiên cứu IHS nhận định chi phí của 1 dự án khai thác dầu từ đá phiến đã giảm từ 70 USD/thùng xuống chỉ còn 57 USD/thùng.

Dầu đá phiến đang được nhiều quốc gia khai thác như Mỹ, Trung Quốc, Cộng hòa Czech. Các giếng dầu đá phiến có thể được khoan trong 1 tuần và chỉ tốn 1,5 triệu USD so với 2 tháng và 700 triệu USD của các mỏ dầu truyền thống.

Giữa thế kỷ XX, một nhóm tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong ngành dầu khí gồm Exxon Mobil, Chevron và BP đã thống trị thị trường dầu mỏ thế giới.

Đến năm 1960, các nước có trữ lượng dầu lớn giành quyền kiểm soát với sự ra đời của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Với trữ lượng gần 345 tỷ thùng, các mỏ dầu đá phiến trên thế giới đang thay đổi cơ bản cán cân trong cuộc chiến giành quyền lực của thế giới dầu mỏ duy trì nửa thể kỷ qua.

Lịch sử cho thấy dầu mỏ và tài chính là hai ngành duy nhất có khả năng đẩy thế giới vào suy thoái. Vì vậy, cuộc cách mạng dầu đá phiến không chỉ giúp giảm mức độ biến động giá dầu mà còn giảm biến động của kinh tế thế giới.

LAM HỒNG