Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Thép “oằn” vì “kìm”

Thép “oằn” vì “kìm”

Tồn kho cao, thép nhập khẩu (NK) cạnh tranh và áp lực giảm giá để giành thị phần vẫn đang là những “gọng kìm” đè nặng lên ngành thép.
.

Ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại, nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Nhà nước được đưa ra, nhưng hy vọng phục hồi cho ngành thép xem ra vẫn còn quá xa vời.

Ngay cả đơn vị lớn nhất trong ngành thép là Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi có đến 7/13 công ty con bị thua lỗ; 5 doanh nghiệp (DN) liên doanh với VnSteel cũng đang trong tình trạng báo lỗ. Báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm của VnSteel giảm sút mạnh khi mới chỉ đạt 42,4% kế hoạch đề ra.

Quá nhiều “gọng kìm”

Nhiều dự án sản xuất thép của các DN đã phải ngưng trệ khi tình hình tiêu thụ vẫn chưa được cải thiện dẫn đến tồn kho lớn.

Ông Trần Văn Khâm – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, cho biết lợi thế sản xuất phôi tại chỗ mà DN này có được cũng không mang lại hiệu quả kinh doanh khả quan, khi các chỉ số tiêu thụ chỉ đạt ở mức thấp.

Đặc biệt, trong khi chi phí sản xuất ngày càng gia tăng thì doanh thu chỉ đạt mức thấp, nên để giảm gánh nặng hàng tồn kho, nhiều đơn vị của Gang thép Thái Nguyên đã phải dừng sản xuất.

Trong khi lượng tiêu thụ vẫn khá chậm, Công ty Thép Tấm lá Phú Mỹ không những đối mặt với tình trạng chi phí đầu vào tăng mạnh, mà còn phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm NK. Ông Huỳnh Công Du – Giám đốc Công ty, cho biết trong 6 tháng đầu năm, nguyên liệu sản xuất thép tăng 13,4%, giá điện tăng 4,7% đã làm cho chi phí năng lượng tăng thêm hơn 3 tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn do yêu cầu đầu tư cao trong khi lợi nhuận thu hồi thấp. Hơn nữa, đầu ra sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn khi đang chịu sự cạnh tranh gay gắt và không cân sức với các đối thủ.

Hiện Công ty Posco Việt Nam với công suất 1,2 triệu tấn/năm, có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ, nên đã đưa ra chính sách duy trì giá bán thấp hơn thị trường từ 15 – 20 USD/tấn, với khách hàng lớn giảm đến 40 USD/tấn.

Đặc biệt, sản phẩm thép cán nguội được nhập từ Trung Quốc có giá rẻ hơn trong nước từ 20 – 30 USD/tấn đang xâm nhập mạnh vào thị trường, khiến DN chỉ còn “cửa” tiêu thụ cho các DN trong tập đoàn.

Dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường thép vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao đã buộc các DN phải chạy đua giảm giá bán. Ông Lê Phú Hưng – Tổng giám đốc VnSteel, cho biết trong quý II/2013, giá thép nói chung liên tục giảm và giảm sâu. Đáng chú ý, thép dài và thép dẹt đã có mức giảm giá lên đến 2 triệu đồng/tấn, giá phôi thép phải cạnh tranh với thép NK của Trung Quốc với mức giá tương đương, trong khi thép vụn gần như “nằm im” nhường thị trường cho những hàng NK từ Nhật Bản, Mỹ, Australia chiếm thị phần. Hầu hết DN sản xuất, NK đang trong tình trạng thua lỗ do giá bán giảm mạnh.

Trong bối cảnh trên, đa số DN đều chọn phương án tiết giảm sản xuất để giảm áp lực chi phí đầu vào, thế nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan khi lượng tiêu thụ được dự báo sẽ chưa có nhiều khởi sắc.

Khó đạt chỉ tiêu

Đại diện của Gang Thép Thái Nguyên cho biết ngay từ đầu năm đã rà soát các chỉ tiêu để giảm chi phí, áp dụng khoa học kỹ thuật, nên tiết kiệm được gần 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng không thể giúp DN vượt qua khó khăn và đạt mục tiêu trong năm nay. Theo ông Khâm, chỉ tiêu cho cuối năm không cao, như: thép cán còn trên 314.000 tấn, phôi thép 204.000 tấn, tiêu thụ 281.000 tấn… là hết sức khó khăn do thị trường không có chuyển biến tốt. Riêng đối với gang chắc chắn sẽ không đạt được chỉ tiêu.

Dự báo 6 tháng cuối năm, nền kinh tế nói chung và thị trường thép nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu thép trên thế giới tiếp tục ở mức thấp. Do đó, các DN cho rằng trong thời gian tới, giá thép trong nước có thể sẽ giảm nhẹ khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trong khi đó, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và DN được Chính phủ đưa ra cũng chưa có tác dụng rõ rệt đến thị trường. Do vậy, nhiều DN thép cho rằng để hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2013 là rất khó.

Đặc biệt, đặt trong bối cảnh ngành thép đang dư thừa công suất khi cuối năm 2012 và năm 2013 vẫn có không ít dự án sản xuất phôi thép được đưa vào sản xuất đã khiến cho cung vượt cầu.

Theo ông Bùi Quang Chuyện – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), không chỉ phôi thép, thép tấm mà tôn mạ cũng đang trong tình trạng dư thừa, điều này càng làm cho thị phần của các DN thép trong nước giảm mạnh, trong khi thị phần các đơn vị liên doanh ngày càng tăng. Đây là một thực tế đáng báo động với ngành thép trong bối cảnh hiện nay, bởi việc dư thừa công suất sẽ càng khiến cho các DN cạnh tranh gay gắt và đứng trước nguy cơ phá sản.

Nhận định diễn biến thị trường đến cuối năm sẽ không có nhiều thuận lợi, đại diện của Bộ Công Thương cho rằng các DN thép sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, như: dư thừa về nguồn cung, đổi mới công nghệ thiết bị đầu tư trước sức ép áp khung giá điện riêng, cạnh tranh với thép nhập ngoại giá rẻ của Trung Quốc… Do đó, cần tự cứu mình trên cơ sở đưa ra những giải pháp đẩy mạnh tìm thị trường tiêu thụ, cân bằng đầu tư, tái cơ cấu hoạt động sẽ là yêu cầu cần thiết với DN ngành thép hiện nay.

——————————–

Cân đối cung – cầu thị trường

Ông Bùi Quang Chuyện – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương)
————————————
Cân đối cung – cầu là một bước khó khăn. Do đó, cùng với việc tìm kiếm những thị trường để xuất khẩu, cần tiến tới cạnh tranh về giá và chất lượng. Cạnh tranh giá là cạnh tranh chi phí đầu vào, gồm giá nguyên liệu, tiết giảm mọi chi phí, gắn với cải tiến công nghệ và thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Về vốn cho các dự án sản xuất thép lớn hiện đang gặp khó khăn, thời gian thu hồi vốn chậm, cần tiếp tục đề nghị Thủ tướng tìm giải pháp, có cơ chế đặc thù trong việc giải quyết thu hồi vốn. Đặc biệt, trong quản lý cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tăng cường và cải tiến bộ máy, tìm giải pháp sử dụng tốt các nguồn lực mà Chính phủ đã giao cho các DN.

Tái cơ cấu doanh nghiệp

Ông Nguyễn Minh Xuân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kim khí Tp.HCM
————————————
Phải mạnh dạn tái cơ cấu DN, không phải chỉ sắp xếp ở các phòng ban mà phải tái cơ cấu một cách đầy đủ, gồm: sản phẩm, cách thức quản trị và bộ máy, vốn và đầu tư, tái cơ cấu đầu vào, quá trình sản xuất và đầu ra. Cần có mục tiêu cụ thể và lộ trình hiệu quả nhằm nâng cao năng suất lao động, đảm bảo bộ máy tinh gọn, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường và có lợi nhuận.

Kế hoạch kinh doanh phải cụ thể

Ông Lê Phú Hưng – Tổng Giám đốc VnSteel
————————————

Các DN cần tạo ra được sự gắn kết và thúc đẩy các thành viên liên kết trong hệ thống, giữa các đơn vị. Chú trọng tăng cường quản lý, đổi mới, thực hành tiết kiệm, áp dụng giải pháp kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm. Mọi đầu tư cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo mang lại hiệu quả, giảm bớt chi phí tài chính. Cũng bởi phần lớn nguồn vốn đầu tư đều là vốn đi vay, nên với mức lãi suất 12 – 13% như hiện nay thì không thể có dự án nào hiệu quả nếu không có sự cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng, tập trung trong giai đoạn ngắn hạn và hiệu quả sản xuất.

Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực để giải quyết và tháo gỡ khó khăn trước tình trạng cung vượt cầu. Do chú trọng về giá nên chất lượng sản phẩm giảm, có những sản phẩm không đúng tiêu chuẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ công trình. Tăng sức cạnh tranh mới tăng được tiêu thụ và tạo ra sự ổn định cho đời sống của người lao động.

Nguồn Ndhmoney