Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Thị trường phát điện cạnh tranh: Chưa thực chất

Thị trường phát điện cạnh tranh: Chưa thực chất

Thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức đi vào vận hành được một năm. Theo đánh giá của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), có rất nhiều cái được, trong đó, một yếu tố không nhỏ đó là giúp cho thị trường điện tăng thêm tính minh bạch và tăng nguồn cung cho toàn hệ thống. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường phát điện vẫn chưa thực sự mang tính cạnh tranh đúng nghĩa.
.


Ảnh: Hoàng Long

Ngành điện khẳng định: Thị trường đã tăng tính minh bạch

Tại buổi giao ban báo chí thường kỳ tháng 6 bộ do Bộ Công thương tổ chức mới đây, đánh giá về thị trường phát điện cạnh tranh sau khi vận hành chính thức một năm, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định, thị trường phát điện cạnh tranh đã cho thấy rõ tính hiệu quả. Điều đó thể hiện qua việc minh bạch huy động các nguồn điện, không còn hiện tượng thắc mắc của các nhà máy phát điện khi không được huy động điện, bởi nguyên tắc huy động điện theo phương thức chào giá, nhà máy nào chào giá thấp hơn sẽ được huy động trước, việc làm này được công khai trên trang web của thị trường phát điện. Theo ông Phúc, với sự xuất hiện của thị trường phát điện cạnh tranh, hiện nay giá phát điện đã thể hiện được quan hệ cung cầu. Khi phụ tải ở những giờ cao điểm, giá điện của thị trường cao, nhiều giờ trong những tháng mùa khô giá lên kịch trần, trong giờ thấp điểm giá lại thấp hơn. Chính vì thế đã gián tiếp khuyến khích nhà máy điện tăng khả năng sẵn sàng phát điện và có những chiến lược chào giá phù hợp, đảm bảo doanh thu, tăng nguồn cung cho hệ thống, tăng tính minh bạch của thị trường, đảm bảo hoạt động hợp lý hơn của thị trường cung cấp điện.

Con số thống kê cho thấy, sau một năm chính thức đi vào vận hành, đã có khoảng 45 nhà máy tham gia trực tiếp chào bán điện ở thị trường phát điện cạnh tranh. Và theo dự kiến, sẽ tăng lên 67 nhà máy chào bán điện trong năm nay. Tuy nhiên, ngược lại với con số nhà máy chào giá bán điện gia tăng, thì bên mua vẫn chỉ có duy nhất một Công ty Mua bán điện mới được quyền quyết định. Trong khi công ty này lại thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vì thế, theo giới chuyên gia trong ngành, thị trường phát điện cạnh tranh vẫn rất khó có thể cạnh tranh theo đúng nghĩa của nó.


Nhìn lại 1 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, nhiều chuyên gia ngành điện cho rằng về cơ bản, thị trường vẫn chỉ “một mình EVN một chợ” nên nếu có yếu tố cạnh tranh ở đây cũng chỉ là hình thức. Và như vậy, giới chuyên gia e ngại, mục tiêu đến năm 2014 hoàn thành thị trường phát điện cạnh tranh và chuyển sang thị trường bán buôn cạnh tranh chắc chắn sẽ rất khó hoàn thành.

Vẫn hình thức

Đáng lý ra, công ty mua bán điện trong thị trường phát điện cạnh tranh đúng nghĩa phải là công ty hoạt động trung gian mua bán điện cho hai bên và thì chỉ thu một khoản phí để duy trì hoạt động của công ty và trả lương nhân viên. Tuy nhiên, hiện nay, đơn vị duy nhất mua điện từ các nhà máy lại vẫn trực thuộc EVN nên mua bán điện cạnh tranh thực chất vẫn chỉ là hình thức. Điều đó cũng có nghĩa, từ mua bán, đến phân phối, truyền tải… vẫn là một tay EVN, bởi vậy vẫn chưa thể thấy tính cạnh tranh ở đây.


Nhận định về thị trường phát điện cạnh tranh sau một năm vận hành, GS.TS Trần Đình Long – Chủ tịch Hiệp hội điện lực Việt Nam cho rằng, trên thực tế, cũng không thể phủ nhận sự tham gia của các nhà máy chào giá điện làm “khuấy động” phần nào tính cạnh tranh của thị trường điện. Nếu so với trước đó, ít nhiều thị trường này cũng đã có tính cạnh tranh, bởi có sự phân định, nhà máy chào giá thấp thì sẽ được huy động trước, còn nhà máy chào giá cao sẽ “xếp hàng đằng sau”. Đó là một điểm mới của thị trường này. Tuy nhiên, GS Long cho rằng, nhìn tổng thể thị trường này vẫn chưa thể có được tính cạnh tranh như mong muốn. Bởi, theo ông Long, hiện nay các công ty phát điện (Genco) vẫn phụ thuộc vào đơn vị quản lý là EVN, và như vậy, EVN hầu như vẫn nắm toàn bộ khâu phát, điện truyền tải và phân phối điện. Như vậy không thể nói có sự cạnh tranh ở thị trường này. Chỉ khi các Genco hay nói cách khác, các nhà máy bán điện, khối phát điện, khối truyền tải điện tách khỏi EVN thì lúc đó mới có có tính cạnh tranh theo đúng nghĩa.

Nhìn lại 1 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, nhiều chuyên gia ngành điện cho rằng về cơ bản, thị trường vẫn chỉ “một mình EVN một chợ” nên nếu có yếu tố cạnh tranh ở đây cũng chỉ là hình thức. Và như vậy, giới chuyên gia e ngại, mục tiêu đến năm 2014 hoàn thành thị trường phát điện cạnh tranh và chuyển sang thị trường bán buôn cạnh tranh chắc chắn sẽ rất khó hoàn thành.

Vẫn theo GS. TS Trần Đình Long, ngoài việc cần một sự tách bạch riêng lẻ các Genco ra khỏi EVN, cũng cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa hay nói cách khác, tiến trình tái cơ cấu ngành điện cũng phải thúc đẩy nhanh.


Thực chất, điện vẫn “một mình một chợ”
Ảnh: Hoàng Long

“Nếu tiếp tục trì hoãn việc tái cơ cấu thì việc hình thành thị trường điện cạnh tranh sẽ vẫn không có gì thay đổi và khả năng bị trễ so với lộ trình đề ra là khó tránh” – ông Long nhận định.


Nguồn daidoanket.vn