Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Thông tư 36 tác động mạnh đến trái phiếu chính phủ

Thông tư 36 tác động mạnh đến trái phiếu chính phủ

(ĐTCK) Thị trường trái phiếu bất ngờ bị tác động kép khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN (TT36) và Quốc hội ban hành Nghị quyết 78/2014 (NQ78). ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) về hướng hóa giải.

TT36 tác động ra sao tới thị trường trái phiếu, thưa ông?

TT36 với quy định về giới hạn tỷ lệ tối đa đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) so với nguồn vốn ngắn hạn sẽ có tác động mạnh đến TTTP. Theo khảo sát của VBMA, 29% NĐT trên thị trường cho biết đã hết hạn mức để có thể đầu tư thêm TPCP trong thời gian tới. Dẫu vậy, còn sớm để cho rằng, TT36 tác động tiêu cực đến TTTP thời gian qua, nhưng hiệu ứng tâm lý là thận trọng hơn mức cần thiết trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô đều diễn biến tích cực là khá rõ.

Về dài hạn, TT36 sẽ có ảnh hưởng tích cực tới thị trường, đảm bảo an toàn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), tạo áp lực phân bổ hợp lý nguồn vốn của các NHTM vào tăng trưởng tín dụng, qua đó nâng cao năng lực quản trị nguồn vốn…

Vậy còn tác động của NQ78 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó có quy định: từ năm 2015, phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn?

Về dài hạn, tính tích cực của việc triển khai NQ78 là khá rõ, bởi thông qua cơ cấu lại kỳ hạn vay nợ của ngân sách sẽ giảm áp lực và gánh nặng đối với nợ công quốc gia.

Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước – những NĐT chủ chốt của thị trường TPCP đang có phản ứng tiêu cực đối với việc ngừng phát hành TPCP các kỳ hạn ngắn dưới 5 năm trên thị trường sơ cấp. Quá trình dịch chuyển đầu tư vào TPCP của các NHTM từ thông lệ duy trì một danh mục đầu tư an toàn, với cơ cấu ngắn và trung hạn, khối lượng lớn sang cơ cấu dài hạn sẽ cần một khoảng thời gian chuyển tiếp nhất định. Vì vậy, với NQ78, các TCTD sẽ gặp khó khăn trong phân bổ cơ cấu nguồn vốn có kỳ hạn từ 5 năm trở lên; đồng thời gia tăng mức độ chênh lệch kỳ hạn giữa huy động vốn và sử dụng vốn của các TCTD.

Cơ cấu nguồn vốn huy động của các TCTD trong nước chủ yếu là ngắn hạn, nên cơ cấu danh mục đầu tư TPCP chủ yếu là các kỳ hạn dưới 5 năm, các kỳ hạn trên 5 năm chiếm tỷ trọng thấp (từ 5 – 25%). Định hướng của Quốc hội chỉ phát hành các loại trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, có thể làm giảm nhu cầu đầu tư TPCP trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Theo ông, cách nào để hạn chế những bất cập trên?       

TT36 quy định, NHTM trong nước được đầu tư TPCP theo tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn là 35%, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15%. Các thành viên VBMA đề nghị, NHNN xem xét áp dụng một tỷ lệ thống nhất cho các NHTM trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài với chung một tỷ lệ là 35% để bảo đảm bình đẳng giữa các ngân hàng trong quản lý thanh khoản.

Đồng thời, xem xét yếu tố kỳ hạn còn lại của TPCP để tính toán chỉ số danh mục TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn, phù hợp với tiêu chí quy định tại Điều 17 TT36 là tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn. Theo đó, nên loại bỏ cấu phần các TPCP có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm; điều chỉnh quy định tại TT36 theo các chỉ số có tính ổn định cao hơn như vốn điều lệ, vốn tự có hoặc tổng nguồn vốn. Quy định tỷ lệ TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn sẽ khiến việc kiểm soát danh mục của các NHTM có thể gặp khó khăn, bởi nguồn vốn ngắn hạn của các NHTM là cấu phần có tính biến động. Đề nghị NHNN sớm có công văn hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các NHTM sau buổi tập huấn TT36 diễn ra ngày 4/12/2014.

Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chủ trương phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên, theo hướng đặt ra mục tiêu có lộ trình phù hợp về cơ cấu lại kỳ hạn nợ, ưu tiên huy động kỳ hạn dài trên 5 năm, nhưng cho phép Chính phủ điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện thực tế thị trường về cấu trúc kỳ hạn phát hành trái phiếu, đảm bảo hài hòa mục tiêu huy động vốn hiệu quả cho ngân sách, đồng thời hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển. Có thể xem xét đặt mục tiêu, ví dụ duy trì phát hành đối với các kỳ hạn ngắn 1, 2 và 3 năm, nhưng tỷ trọng các kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên sẽ chiếm tối thiểu 50%.

Theo VBMA, cơ quan quản cần triển khai thêm các giải pháp nào để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển?

Cần sớm thành lập một cơ quan điều phối chung các bộ, ngành, nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động phát triển thị trường trái phiếu, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các kế hoạch đã đề ra.

Với thị trường TPCP sơ cấp, nên tập trung đẩy nhanh thực hiện dự án các NĐT trái phiếu cấp I (PD); minh bạch hóa thông tin thông qua cung cấp sớm kế hoạch huy động vốn định kỳ, chi tiết… Trên thị trường thứ cấp, tiếp tục giảm số lượng mã trái phiếu đang lưu hành xuống khoảng 50 mã; xây dựng hợp đồng khung cho thị trường repo trái phiếu; giảm các loại phí giao dịch trái phiếu xuống mức thấp nhất.

Bộ Tài chính nên cân nhắc ưu tiên lựa chọn các NĐT trái phiếu cấp I cho thị trường sơ cấp từ hệ thống các nhà tạo lập trên thị trường thứ cấp. Phát triển các hàng hóa mới như: nghiệp vụ bán trước khi trái phiếu về tài khoản, hợp đồng tương lai, các sản phẩm phái sinh từ TPCP. Sử dụng chính sách thuế linh hoạt để tăng mức độ hấp dẫn đối với NĐT nước ngoài. Tạo cơ chế thúc đẩy Bảo hiểm Xã hội tham gia thị trường. Chuyển chức năng ngân hàng thanh toán từ BIDV về NHNN.

Hữu Hòe