Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tiền vẫn chảy vào ngân hàng yếu

Tiền vẫn chảy vào ngân hàng yếu

Huy động vốn của các ngân hàng yếu vẫn tăng mạnh, ở mức khá so với mức trung bình của hệ thống.

Báo cáo giám sát tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới công bố đã lưu ý một thực tế đáng ngạc nhiên: “Một số ngân hàng yếu kém và hầu hết các ngân hàng thuộc diện cơ cấu lại vẫn có tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động khá so với mức trung bình của hệ thống”.Ngân hàng yếu thuộc diện cơ cấu lại vẫn huy động vốn “khá”

Tiền vẫn chảy vào ngân hàng yếu
Huy động vốn của các ngân hàng yếu vẫn tăng mạnh, ở mức khá so với mức trung bình của hệ thống

Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng trong diện tái cơ cấu bắt buộc đợt đầu tiên (9 ngân hàng yếu kém) và một số ngân hàng sắp sáp nhập cho thấy, huy động vốn vẫn tăng trưởng tốt.

Chẳng hạn, mãi đến tháng 10/2014, Southern Bank mới công bố báo cáo tài chính quý III/2013 với kết quả khá bi đát: tín dụng tăng trưởng âm gần 2,7%, song huy động vốn lại tăng tới 27%.

Gần đây, một loạt ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2014, với con số tăng trưởng huy động vốn rất ấn tượng. Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, huy động vốn chung của toàn hệ thống tăng 11%, song huy động vốn của Pvcombank (ngân hàng trong diện tái cơ cấu bắt buộc, trên cơ sở hợp nhất Western Bank và PVFC) tăng tới 24%, bất chấp tín dụng tăng trưởng âm 6,84%. Tương tự, huy động vốn 9 tháng đầu năm của NCB (ngân hàng tự tái cơ cấu)  tăng tới gần 32%.

Hay mới đây, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương Hà Văn Thắm bị bắt do những vi phạm cá nhân, song tình hình vẫn hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát, thanh khoản của ngân hàng này vẫn bình thường, vẫn tiếp tục thu hút tiền gửi tiết kiệm của người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, việc người dân vẫn rót tiền vào ngân hàng nhỏ, yếu không có gì đáng ngạc nhiên, bởi lãi suất tiền gửi của các ngân hàng này bao giờ cũng cao hơn các ngân hàng lớn. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố không để ngân hàng phá sản trước đây cũng khiến người dân có xu hướng chọn ngân hàng có lãi suất cao để gửi tiền.

Đáng nói là, suốt 15 năm qua, nhiều ngân hàng đã trải qua 3 cuộc đại phẫu, song vẫn chưa thể khỏe lên và cũng không bị đóng cửa. Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần được sắp xếp, chấn chỉnh trong giai đoạn hiện nay cũng từng là các ngân hàng đã phải tái cơ cấu hai lần trước, trong đó có SCB, SHB, Pvcombank, VNCB, GPBank…

Đóng cửa ngân hàng: không dễ

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, chỉ khi NHNN cho phép ngân hàng yếu phá sản, thì người dân mới có ý thức chọn ngân hàng khỏe để gửi tiền. Đồng tình với ý kiến này, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, để quá trình tái cơ cấu ngân hàng được thực hiện thành công theo đúng nghĩa thì Chính phủ phải mạnh dạn cho các ngân hàng yếu kém phá sản, giải thể, bởi chính các ngân hàng yếu kém này đang là nút thắt và lấy đi nguồn lực của các ngân hàng khác.

Tuy nhiên, việc phá sản ngân hàng yếu không hề dễ dàng. Mặc dù hành lanh pháp lý cho phá sản ngân hàng đã có (Luật Phá sản 2014 đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2014), song các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành. Chưa kể, việc ngân hàng phá sản sẽ có nguy cơ gây ra phản ứng dây chuyền.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, giải pháp của NHNN chủ yếu là khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc tự nguyện.

Cũng theo Thống đốc, với thực tế Việt Nam hiện nay, việc phá sản tổ chức tín dụng, đặc biệt là phá sản ngân hàng là vấn đề nhạy cảm, có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế và hệ thống tài chính quốc gia, đặc biệt là người gửi tiền, dẫn đến nguy cơ rút tiền hàng loạt, gây đổ vỡ dây chuyền đối với hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.

Hà Tâm