Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tìm lối ra cho “người đi sai đường”

Tìm lối ra cho “người đi sai đường”

Nghị định 71 là một “cứu cánh” cho những doanh nghiệp nhà nước đang loay hoay chưa thoái được vốn đầu tư ngoài ngành…
.

Dẫn đầu về đầu tư ngoài ngành là PVN với 6.700 tỷ đồng, tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Cao su với hơn 3.800 tỷ đồng và EVN là 2.100 tỷ đồng…

Từ ngày 1/9/2013, Nghị định 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ có hiệu lực. Nghị định này thực ra là một “cứu cánh” cho những doanh nghiệp nhà nước đang loay hoay chưa tìm được hướng thoái vốn đầu tư ngoài ngành…

Việc siết đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước thực ra đã được Chính phủ thực hiện 2 năm trở lại đây và thời hạn cuối cùng cho các doanh nghiệp thoái vốn là năm 2015. Tuy nhiên khó khăn của các doanh nghiệp nhà nước đã “chót” đầu tư ngoài ngành là việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản không hề đơn giản vì dự án đã triển khai, bán không ai mua.

Một lãnh đạo của Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) trong lần trò chuyện cùng phóng viên đã than thở: “Rao bán dự án nhưng không có khách nào hỏi mua dù đã chấp nhận cắt lỗ nên việc thoái vốn theo chủ trương sẽ khó thực hiện”.

Tan giấc mơ đa ngành, đa nghề

Phong trào đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước nở rộ vào giai đoạn 2005-2008. Thời điểm mà các “quả đấm thép” đua nhau trở thành các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đa lĩnh vực, ngành nghề. Điểm mặt các “ông lớn” giai đoạn này như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam… mặc dù ngành nghề kinh doanh không liên quan nhưng đều có tên trên thị trường đầu tư tài chính, bất động sản, chứng khoán…

Đầu năm 2011, khi nền kinh tế suy giảm mạnh các doanh nghiệp nhà nước mới giật mình nhận ra lí do thua lỗ của mình là đầu tư ngoài ngành. Chính phủ đã vào cuộc và đưa ra con số quan ngại, tính đến hết năm 2010, các doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ngoài ngành gần 22.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực tài chính ngân hàng chiếm lớn nhất là 10.128 tỷ đồng, tiếp đến lĩnh vực bất động sản 5.379 tỷ đồng, chứng khoán 3.576 tỷ đồng, bảo hiểm 2.236 tỷ đồng và đầu tư vào các quỹ đầu tư 495 tỷ đồng…

Tuy biết nguy hiểm nhưng phần lớn các doanh nghiệp nhà nước “phóng lao phải theo lao” nên con số đầu tư ngoài ngành tiếp tục tăng lên. Theo báo cáo của Chính phủ trình lên Quốc hội về tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đến ngày 31/12/2011, tổng vốn đầu tư ngoài ngành của các đơn vị này là 23.744 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là lĩnh vực ngân hàng với 11.403 tỷ đồng, tiếp đến là bất động sản với 9.286 tỷ đồng. Chứng khoán, bảo hiểm và quỹ đầu tư là 3.053 tỷ đồng…

Nói về việc này, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch từng chia sẻ: “Tập đoàn càng lớn thì vốn đầu tư ra ngoài ngành càng lớn nên khả năng chịu lỗ càng cao”.

Đúng như lời ông Trần Du Lịch, dẫn đầu về đầu tư ngoài ngành là PVN với 6.700 tỷ đồng, tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Cao su với hơn 3.800 tỷ đồng và EVN là 2.100 tỷ đồng… Tính đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân hàng của 12 tập đoàn kinh tế của nhà nước là 218.738 tỷ đồng, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng, trong đó nợ nhiều nhất là Petro Vietnam nợ 72.300 tỷ đồng, EVN nợ 62.800 tỷ đồng, Vinacomin với 20.500 tỷ đồng…

Lối ra cho doanh nghiệp nhà nước

Vào tháng 6/2013 Bộ Tài chính đã có hướng dẫn các doanh nghiệp nhà nước muốn thoái vốn với những khoản đầu tư ngoài ngành thuộc các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư.

Theo đó, nếu doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp trên mà thoái vốn không thành công thì Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ mua lại sau khi đã trừ khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư. Như vậy lối ra cho các doanh nghiệp nhà nước đã “trót” đầu tư vào đây là chính Nhà nước sẽ dùng tiền mua lại các khoản đầu tư “sai đường” của doanh nghiệp nhà nước.

Đến nay, Nghị định 71 thực ra cũng là “gỡ rối” cho doanh nghiệp nhà nước khi loay hoay tìm lối thoát cho khoản vốn đầu tư ngoài ngành của mình. Nghị định quy định rõ, doanh nghiệp được quyền sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp đã được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Việc sử dụng tài sản có liên quan đến đất đai để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.

Việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc: “Không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ…”.

Với quy định này thì doanh nghiệp nhà nước vẫn được đầu tư ra ngoài ngành trừ những lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư. Như vậy chủ trương “siết” chặt đầu tư ra ngoài ngành đối với doanh nghiệp nhà nước được “nới” và lối ra cho doanh nghiệp nhà nước đã đi “sai đường” ở đây chính là việc huyển hướng đầu tư ngoài ngành sang các lĩnh vực không bị cấm.

Nghị định 71 đưa ra trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư ngoài ngành bị lỗ, tức giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách của doanh nghiệp thì sẽ báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Như vậy lối ra nhanh nhất, giữ “uy tín” nhất của các doanh nghiệp nhà nước khi muốn thoái vốn đầu tư ngoài ngành không phải nằm ở việc bảo toàn được vốn đầu tư mà nằm ở ý chủ quan của chủ sở hữu. Chỉ cần chủ sở hữu “gật đầu” là doanh nghiệp nhà nước có thể thoái vốn với mức lỗ được chấp nhận…

Tuy nhiên, Nghị định 71 cũng đã hạn chế quyền tự quyết lâu nay được trao quá nhiều cho doanh nghiệp nhà nước khi quy định “mọi biến động về tăng, giảm vốn chủ sở hữu phải báo cáo chủ sở hữu và cơ quan tài chính để theo dõi, giám sát. Định kỳ 6 tháng, hàng năm doanh nghiệp phải đánh giá hiệu quả sử dụng vốn”.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)