Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tín dụng phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tín dụng phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đầu tư phát triển CNHT thực sự là một mô hình hiệu quả đối với các DNNVV. Đồng thời, việc cung cấp vốn cho các DN này phát triển cũng đảm bảo cho đồng vốn của các ngân hàng được sử dụng hiệu quả.

 75% số dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong vòng 5 năm qua của các DNNVV có mức tăng trưởng doanh số hàng năm đạt từ 30% trở lên. Nhiều DN có kế hoạch đầu tư máy móc mới… Đó là kết quả được rút ra từ khảo sát của Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản), đơn vị tư vấn cho Dự án tài trợ DNNVV giai đoạn III (SMEFP III) do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ vốn.

Nó cho thấy, đầu tư phát triển CNHT thực sự là một mô hình hiệu quả đối với các DNNVV. Đồng thời, việc cung cấp vốn cho các DN này phát triển cũng đảm bảo cho đồng vốn của các ngân hàng được sử dụng hiệu quả. Ông Đào Văn Hà, Giám đốc Ban quản lý các dự án tín dụng quốc tế ODA (BQLDA) của NHNN cho biết, đã có 23 TCTD tham gia dự án SMEFP III.


Ảnh minh họa

Theo ông Hà, qua quá trình thực hiện có thể thấy rõ các lợi ích mà DNNVV được hưởng từ dự án. Đó là tiếp cận được với nguồn vốn trung và dài hạn ổn định, lãi suất ưu đãi; có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo… Vì vậy, các DNNVV vốn không có nhiều tài sản thế chấp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đặc biệt, SMEFP III đang hướng tới mục tiêu mở rộng cho vay đối với các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực CNHT.

Cũng theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Nomura, hầu hết các khoản vay tiếp của dự án được giải ngân cho mục đích mở rộng dây chuyền sản xuất hiện tại (84% tổng số dự án). Đồng thời, 51,8% số DN tham gia khảo sát cho biết sẽ đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến của Nhật Bản cho dự án đầu tư tiếp theo. Kết quả này gợi ý rằng, các TCTD nên tham khảo và áp dụng chương trình vay liên kết giữa bên cho vay, bên đi vay và các nhà cung cấp máy móc. Theo đó, sự phối hợp giữa các TCTD tham gia dự án và các nhà cung cấp máy móc sẽ giúp làm giảm tình trạng thông tin không rõ ràng và rủi ro tín dụng của các dự án đầu tư do DNNVV lĩnh vực CNHT tiến hành.

Thực tế từ việc giải ngân vốn ODA cho các DNNVV qua 2 giai đoạn đã cho thấy những thành công bước đầu của dự án trong việc phát triển DN nói chung và lĩnh vực CNHT nói riêng. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của khối DN này vẫn còn rất lớn. Theo các TCTD tham gia dự án, số DNNVV lĩnh vực CNHT là khách hàng vay vốn tiềm năng lên tới gần 17.500 DN.

Các DN này phần lớn đều ưa thích các hình thức ưu đãi về hạn mức tín dụng và lãi suất cho vay, trong đó ưu đãi lãi suất được ưa thích hơn. Từ đó, tư vấn của Viện Nghiên cứu Nomura khuyến nghị, để khuyến khích các TCTD cho vay lĩnh vực CNHT cung cấp nguồn vốn với lãi suất ưu đãi hơn, cần có các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các TCTD.

Đồng thời, các chính sách và giải pháp thúc đẩy tài trợ DNNVV không chỉ giới hạn ở việc cung cấp tín dụng, bảo lãnh tín dụng, mà còn bao gồm cả việc hỗ trợ thông tin, dịch vụ tư vấn, đào tạo… Cụ thể là thiết lập hệ thống thông tin, cung cấp dịch vụ đào tạo cho DNNVV, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để DNNVV đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn và thị trường.

Về lâu dài, để cho vay có hiệu quả đơn vị tư vấn này cũng khuyến nghị một số chính sách cho các TCTD. Như các khoản cho vay DNNVV cần đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Bởi, các DNNVV thuộc các ngành nghề khác nhau, giai đoạn phát triển và quy mô khác nhau, vì vậy có nhu cầu tài chính khác nhau. Các sản phẩm này thường được phân loại theo mục đích vay, quy mô khoản vay, thời gian hoạt động, lĩnh vực hoạt động của DNNVV… Việc đa dạng các sản phẩm cho vay DNNVV không chỉ giúp các DNNVV có điều kiện lựa chọn sản phẩm phù hợp mà còn giúp các NHTM quản lý các khoản vay dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, do DNNVV thường tập trung ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những nơi mà dịch vụ ngân hàng không phổ biến, một số NHTM đã chú trọng tới việc mở rộng mạng lưới phòng giao dịch tới các khu vực này để dễ dàng tiếp cận khách hàng. Điều này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ lâu dài với DNNVV ngay từ giai đoạn mới thành lập. Mối quan hệ chặt chẽ, bền vững giữa NHTM và DNNVV sẽ giúp các DN này dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng.

Ngọc Khanh