Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Vay ngoại tệ cuối năm: Doanh nghiệp thờ ơ

Vay ngoại tệ cuối năm: Doanh nghiệp thờ ơ

Theo thông lệ vào cuối năm, nhu cầu vay ngoại tệ tại các ngân hàng trên địa bàn sẽ tăng trưởng mạnh do nhu cầu của doanh nghiệp (DN) cần ngoại tệ phục vụ việc mua nguyên liệu, giao dịch hàng hoá. Thế nhưng, tình hình năm nay hoàn toàn ngược lại.
.

Dù chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thế nhưng DN lại khá thờ ơ với việc vay vốn ngoại tệ. Một số ngân hàng trên địa bàn cho biết, nhu cầu vay ngoại tệ của DN từ nay đến cuối năm sẽ không có đột biến.

Các DN xuất, nhập khẩu trên địa bàn năm nay khá cân nhắc khi vay vốn bằng VND hay ngoại tệ vào thời điểm cuối năm. (Ảnh: Dây chuyền đóng bì sản phẩm tại Công CP Xi măng Thăng Long).
Các DN xuất, nhập khẩu trên địa bàn năm nay khá cân nhắc khi vay vốn bằng VND hay ngoại tệ vào thời điểm cuối năm. (Ảnh: Dây chuyền đóng bì sản phẩm tại Công CP Xi măng Thăng Long).

Theo số liệu thống kê của NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, từ đầu năm tới nay, các NHTM trên địa bàn chấp hành nghiêm túc các quy định của Ngân hàng Nhà nước trong việc ấn định, niêm yết công khai tỷ giá mua bán của đồng Việt Nam đối với Đôla Mỹ; thực hiện mua bán ngoại tệ theo đúng tỷ giá niêm yết, không thu phí trái quy định. Mặc dù vậy, do nền kinh tế còn chậm phục hồi nên nhu cầu sử dụng thanh toán ngoại tệ năm nay giảm mạnh so với mọi năm. Cụ thể, doanh số mua – bán ngoại tệ 10 tháng đạt 3.100 triệu USD, dự kiến đến hết năm 2013 là 3.700 triệu USD, giảm 36% so với thời điểm cuối năm 2012. Theo đại diện 1 ngân hàng TMCP trên địa bàn cho biết: Doanh số mua – bán ngoại tệ giảm cả ở đối tượng khách hàng là DN và khách hàng là người dân bình thường. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là kinh tế ảm đảm, người dân ít có nhu cầu phát sinh giao dịch cần đến ngoại tệ.

Cùng với doanh số mua – bán ngoại tệ, nhu cầu vay ngoại tệ tại các ngân hàng trên địa bàn vào thời điểm cuối năm nay mặc dù được đánh giá là tăng trưởng hơn so với năm 2012, nhưng đây vẫn chưa bằng mức tăng trưởng của những năm 2011 trở về trước. Theo đó, năm 2012, dư nợ vay ngoại tệ nói chung của các ngân hàng trên địa bàn chỉ đạt trên 2.000 tỷ đồng, chỉ bằng 60% dư nợ vay ngoại tệ năm 2011. Đến năm 2013, dư nợ cho vay ngoại tệ tính đến tháng 10 đạt 3.115 tỷ đồng, dự kiến đến hết năm 2013, cũng vẫn dao động quanh mốc từ 3.100-3.200 tỷ đồng, ước tính tăng khoảng 30,5% so với năm 2012. Mặc dù lãi suất vay ngoại tệ hiện chỉ dao động ở mức 3-5%, trong khi lãi suất vay bằng VNĐ thông thường dao động ở ngưỡng 9-12%. Tuy nhiên, rủi ro biến động tỷ giá ngoại tệ lại cao hơn, do đó, ngay cả các doanh nghiệp trong diện được vay ưu đãi ngoại tệ cũng phải thận trọng. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn cho biết: Mọi năm càng về cuối năm DN cần ngoại tệ để giao dịch, chuẩn bị cho các đơn hàng nước ngoài nhưng năm nay, do các đơn hàng nước ngoài rất ít nên nếu DN có nhu cầu sử dụng vốn thì sẽ cân nhắc vay bằng VND, chứ không vay ngoại tệ thời điểm này.

Đồng chí Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh cho biết: Có thể thấy năm nay, các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (lĩnh vực cần sử dụng đến ngoại tệ để thanh toán) hoạt động rất khó khăn. Tình hình hoạt động vào cuối năm của các DN này cũng không mấy khả quan. DN xuất khẩu thì hàng tồn kho nhiều, không bán được; DN nhập khẩu thì cũng khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm, nên không dám nhập hàng nhiều… Ngoài ra còn có các đơn vị ngành Than, năm nay do điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, nên nhu cầu vay ngoại tệ cũng giảm hẳn. Từ đó, nhu cầu vay ngoại tệ cũng sẽ giảm. Đây là tình hình chung của hệ thống ngân hàng trong cả nước do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Khi nền kinh tế khởi sắc, các nhu cầu về ngoại tệ sẽ lại được điều tiết phù hợp với tình hình thị trường.

Trước nhu cầu vay ngoại tệ của DN giảm mạnh, nhiều chuyên gia dự báo mức lãi suất huy động ngoại tệ (cụ thể là USD) của các ngân hàng trong thời gian tới có thể giảm về mức 0%/năm, quan hệ huy động – cho vay trong ngân hàng nhanh chóng sẽ chuyển sang mua – bán ngoại tệ. Hiện lãi suất huy động USD của các ngân hàng là 0,25%/năm đối với tổ chức và 1,25%/năm đối với cá nhân. Theo quy định, các ngân hàng được phép chuyển đổi nguồn vốn ngoại tệ sang tiền đồng với tỷ lệ 20% vốn tự có để cho vay.

 

Theo Báo Quảng Ninh – Vân Du