Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Việt Nam lọt top 3 thị trường đầu tư chiến lược của Hàn Quốc

Việt Nam lọt top 3 thị trường đầu tư chiến lược của Hàn Quốc

Bằng nguồn tài chính dồi dào, thấu hiểu thị trường và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Lotte, CJ, GS, Kumho… đang từng bước mở rộng đầu tư tại Việt Nam. 

Vào thị trường Việt Nam từ năm 2008 với trung tâm thương mại (TTTM) đầu tiên Lotte Mart ở quận 7 (TP.HCM), đến nay, Tập đoàn Lotte đã có 20 công ty thành viên kinh doanh ở Việt Nam. Ông Hong Won Sik – Tổng giám đốc Lotte Vietnam Shopping cho biết, sau gần 8 năm đến Việt Nam, chỉ riêng hệ thống Lotte Mart đã phát triển được 11 TTTM, với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD, riêng TTTM thứ 12 ở Gò Vấp, TP.HCM được đầu tư đến 45 triệu USD.

Ở mảng bán lẻ, Lotte vẫn duy trì mục tiêu mở 60 trung tâm đến năm 2020. Liên quan đến chiến lược này, ông Hong Won Sik cho rằng, thời điểm mới vào thị trường Việt Nam, Công ty phải mất 4 – 5 năm mới mở thêm một TTTM nhưng gần đây, với những chính sách thông thoáng hơn, một năm Lotte có thể mở 4 – 5 TTTM, hoặc hơn. Do vậy, mục tiêu 60 TTTM cho 4 năm nữa là khả thi. Lotte cũng sẽ tìm kiếm những cơ hội trong lĩnh vực bán lẻ để thực hiện M&A.

Bên cạnh mảng bán lẻ, theo bà Đoàn Chính Tâm – Giám đốc Chiến lược Lotte Vietnam Shopping, Lotte đã triển khai nhiều loại hình kinh doanh tại Việt Nam, như Lotte Home Shopping (bán hàng qua tivi), Lotte Mart (bán lẻ), Loteria (thức ăn nhanh), Lotte Cinema (rạp chiếu phim) và sắp tới là Lotte Ecommerce (thương mại điện tử).

Tại cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM mới đây, ông Kim Chang Kwon – Giám đốc Điều hành Công ty Phát triển tài sản Lotte (Hàn Quốc) chia sẻ, chỉ tính riêng mức đầu tư của Lotte vào TP.HCM đã gần 3 tỷ USD.

Mức vốn đầu tư này sẽ còn gia tăng vì Lotte đã sẵn sàng khởi động một số dự án mà TP.HCM có thể sẽ thông qua trong thời gian tới, đặc biệt là khu phức hợp ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2 tỷ USD. “Nếu các thủ tục pháp lý sớm hoàn thành, chúng tôi sẽ khởi động dự án trong cuối năm nay hoặc đầu năm 2017”, ông Hong Won Sik cho biết.

Trước đó, Lotte cũng đã đưa công trình cao tầng tại Hà Nội với vốn đầu tư 2,2 tỷ USD đi vào vận hành. Không dừng lại ở mức đầu tư này, ông Kim Chang Kwon tiết lộ, trong vòng 5 năm tới, Lotte phấn đấu đạt được mức đầu tư vào Việt Nam như Samsung hiện nay (Samsung hiện đã đầu tư 11,3 tỷ USD). Kế hoạch của Lotte là tái đầu tư liên tục để nâng nguồn vốn vào Việt Nam.

Cùng với Lotte, một tập đoàn khác của Hàn Quốc đang sở hữu khu đất lớn ở Thủ Thiêm là GS E&C. Theo đó, ngoài 5 khu đất được giao theo hợp đồng BT đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, trước đây, GS E&C còn là chủ đầu tư sân golf 200ha ở Củ Chi (TP.HCM), nhưng đến năm 2012, tập đoàn này đã chuyển nhượng cổ phần lại cho C.T Group với giá trị chuyển nhượng 24 triệu USD.

Khu đô thị Metrocity (tổng diện tích hơn 300ha tại xã Nhơn Đức và Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cũng nằm trong danh mục đầu tư của GS E&C. Thêm nữa, GS E&C còn hợp tác với Sơn Kim Group sở hữu kênh mua sắm tại nhà mang thương hiệu VGS Shop đang được phát sóng trên các kênh truyền hình cáp.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Chủ tịch HĐQT Sơn Kim, GS E&C là tập đoàn có tiềm lực tài chính lẫn kinh nghiệm nên hai bên đang nhắm đến hợp tác xa hơn, đó có thể là phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới.

Trong khi đó, với chiến lược từng bước đặt nền móng tại Việt Nam, sau 20 năm, Tập đoàn CJ đã hiện diện gần như đầy đủ các mảng đầu tư của họ ở Việt Nam (công nghiệp thực phẩm, công nghiệp giải trí, sinh học và dược phẩm, logistics – cơ sở hạ tầng).

Sau khi đầu tư 400 triệu USD vào Việt Nam cho ngành giải trí, nông nghiệp (hiện đang đầu tư 4 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam), mới đây, đại diện CJ cho biết, năm 2016 này, CJ sẽ rót thêm 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam để đầu tư vào công nghiệp giải trí, logistics – cơ sở hạ tầng và công nghiệp thực phẩm. CJ cũng đang khảo sát mảng kinh doanh có nhiều tiềm năng ở Việt Nam là bán lẻ.

Liên quan đến đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối năm 2015, Hàn Quốc dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với 4.970 công trình còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt trên 45,1 tỷ USD.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, vài năm trở lại đây, dòng vốn từ châu Á đổ vào Việt Nam khá nhiều, đặc biệt là kể từ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành (cuối năm 2015) và FTA Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực. Điều này được minh chứng qua số liệu của Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA) công bố mới đây.

Theo đó, Việt Nam vẫn là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc, như trong quý I/2016, xuất khẩu của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng 7,6%, đạt giá trị 7 tỷ USD.

Ngược lại, Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc chọn Việt Nam để vừa sản xuất phục vụ cho thị trường xuất khẩu lẫn tiêu dùng nội địa.

Đó cũng là lý do mà các tập đoàn lớn của Hàn Quốc xem Việt Nam là thị trường lớn thứ ba trong chiến lược đầu tư sau thị trường sở tại và Trung Quốc.

 

NGUYÊN BẢO