Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Việt Nam sẽ có nhà máy tinh luyện Vonfram

Việt Nam sẽ có nhà máy tinh luyện Vonfram

Ngành tinh luyện khoáng sản Việt Nam vừa chính thức đón nhận sự tham gia của thành viên mới, Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo – H.C. Starck.
.
Liên doanh giữa Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo, công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San với H.C. Starck – tập đoàn chế biến khoáng sản công nghiệp số một của Đức và thế giới.
Theo đó, liên doanh này sẽ xây dựng một nhà máy tinh luyện với công suất thiết kế 10.000 tấn nguyên liệu đầu vào mỗi năm, để tinh chế thành phẩm quặng vonfram đã làm giàu của Núi Pháo (hàm lượng vonfram hiện hữu là 65%) và tinh luyện ra các loại sản phẩm vonfram tinh khiết với giá trị gia tăng cao hơn.


Một góc khu tuyển vonfram và xưởng sửa chữa

Nhưng quan trọng hơn, đây được xem là bước ngoặt cho Dự án Núi Pháo nói riêng và ngành khai thác và chế biến khoáng sản Việt Nam nói chung.

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản với công nghệ hiện đại, phù hợp điều kiện của Việt Nam, nâng cao hệ số thu hồi khoáng sản và mức độ chế biến sâu khoáng sản.

Vì sao H.C. Starck “bén duyên” cùng Masan?

H.C. Starck là một tên tuổi không xa lạ với các nhà khai thác khoáng sản toàn cầu, công ty này luôn được coi là nhà sản xuất khoáng sản công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao hàng đầu trên thế giới, với hơn 100 năm kinh nghiệm về mặt sản xuất, kinh doanh lẫn công nghệ.

H.C. Starck hiện có gần 3.000 nhân viên hoạt động trên thế giới và doanh thu năm 2012 đạt hơn 1,1 tỷ USD. Tập đoàn này sở hữu 140 chuyên gia nghiên cứu và phát triển (R&D) trên toàn thế giới, với hơn 900 bằng sáng chế.

Trở lại với Masan, theo khảo sát của Cube Consulting, tuân thủ theo quy định của Bộ luật JORC, Núi Pháo là một trong những mỏ vonfram đã được nhận diện lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc với 52,5 triệu tấn quặng có chứa WO3 (vonfram trioxit) phẩm cấp 0,21%.

Ngoài ra, Núi Pháo cũng là một trong những đơn vị sản xuất florit cấp axit và bismut lớn nhất thế giới. Vùng này có tiềm năng thăm dò bổ sung để kéo dài thêm vòng đời khai thác của mỏ hiện tại đang ở mức 16 năm. Nói cách khác, trong vòng 3 năm Núi Pháo từ khi “về với” Masan đã trở thành một doanh nghiệp hình mẫu về khai thác và chế biến khoáng sản ở Việt Nam, đáp ứng được các chuẩn mực cao trong ngành khai khoáng của thế giới.

Do vậy, sự kết hợp này là hướng đến mục tiêu xây dựng một doanh nghiệp tinh luyện vonfram hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Đó là chưa kể, hàng năm Núi Pháo có thể cung ứng sản lượng lên tới 7% nguồn cung vonfram toàn cầu, góp phần tích cực trong bình ổn giá của vonfram trên quy mô toàn cầu.

Ngoài ra, theo ông Andreas Meier, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của H.C. Starck “Masan đã phát triển một doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản mang đẳng cấp thế giới và mỏ Núi Pháo sẽ là một nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho liên doanh”.

Masan – một phát tên trúng nhiều đích

Một trong những thành công lớn nhất của Masan qua thương vụ này chính là, khi có sự tham gia của H.C. Starck, xem như Masan đã giải bài toán hóc búa “làm thế nào nâng cao giá trị gia tăng từ Núi Pháo”. Việc thành lập liên doanh với một tên tuổi hàng đầu về công nghệ trên thế giới, dự án này chính là câu trả lời đầy thuyết phục đi đúng theo chiến lược của Chính phủ Việt Nam về chế biến khoáng sản sâu nói chung và dự án Núi Pháo đạt được giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị vonfram nói riêng.

Tiếp đến phải kể đến “điểm cộng” của Masan trong đàm phán hình thành liên doanh, với tỷ lệ sở hữu Masan: H.C. Starck tương ứng 51:49, Masan vừa tận dụng công nghệ hiện đại, thương hiệu toàn cầu của đối tác, nhưng vẫn giữ được “bản sắc quản trị” của dự án vận hành theo đúng quỹ đạo quản trị của hệ thống Masan.

Thứ ba, quan trọng hơn là, ngoài việc sở hữu công nghệ tối ưu, thì H.C. Starck còn là một người mua chiến lược, bởi nhu cầu tiêu thụ khối lượng vonfram lớn của Tập đoàn này. Vì thế, việc “kết duyên” cùng H.C. Starck sẽ đảm bảo đầu ra một cách bền vững cho Núi Pháo và giúp Masan hiện thực hóa “cam kết tăng giá trị dự án Núi Pháo với nhà đầu tư trước đây”.

Do đó, đây là một dự án hiếm hoi khi cả 3 yếu tố tài nguyên (Núi Pháo) với công nghệ và thị trường (H.C. Starck) được tích hợp cùng nhau. Điều này tạo nên nền tảng cạnh tranh mạnh và hạn chế rủi ro cho Công ty liên doanh. Có thể nói, đây là sự kết hợp mang tính chiến lược và có giá trị cộng hưởng cao.

Bước ngoặt mới cho ngành tinh luyện khoáng sản Việt Nam

Hiện nay, tinh luyện khoáng sản là một ngành nghề có nhiều tiềm năng, nhưng mới ở dạng “vẻ đẹp tiềm ẩn”. Đó là chưa kể, vào đầu năm 2013, Fraser Institute đã công bố một kết quả điều tra cho thấy Việt Nam được coi là nằm trong số một vài nước mà môi trường kinh doanh cho ngành mỏ thuộc loại kém hấp dẫn nhất trên thế giới.

Do vậy, việc Masan Resources “kéo” được H.C. Starck vào thị trường Việt Nam, được coi là một thành công ngoạn mục, giúp cải thiện hình ảnh về môi trường đầu tư ngành khoáng sản ở Việt Nam.

Cuối cùng, sự kiện này còn thêm một lần nữa cung cấp một bài học thực tế chứng minh cho tính đúng đắn của nhà nước trong việc hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô.

Rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chế biến sâu và xuất khẩu khoáng sản với giá trị gia tăng cao. Bước ngoặt ngoạn mục mà Núi Pháo đã làm được trong vòng ba năm cho thấy, độ sâu và tính chuyên nghiệp của một doanh nghiệp Việt, đồng thời là điểm nhấn cho bức tranh khai thác và chế biến khoáng sản Việt Nam.

(baodautu.vn)