Việc hàng Việt thua ngay trên chính sân nhà, để tình trạng hàng Trung Quốc tràn lan trên thị trường đã là câu chuyện nhiều năm nay trên thị trường Việt Nam.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt là phải tìm thị trường trúng với thị hiếu, đúng đối tượng. Nguồn: internet
Vì sao hàng Việt thua ngay trên sân nhà?
Không thể phủ nhận được rằng, hiện nay, sau nhiều năm nỗ lực, hàng Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực và có chỗ đứng nhất định trong thị trường hàng hóa nước ta.
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, qua 5 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, so với năm 2009 là thời điểm bắt đầu cuộc vận động, đến nay nhận thức của toàn xã hội đã có những chuyển biến rõ rệt, từ nhận thức của người tiêu dùng đến người sản xuất và người phân phối lưu thông.
Tại Hội nghị nói trên, theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), niềm tin và tình cảm của người dân Việt Nam đối với hàng nội không ngừng được nâng cao. Ước tính, có đến 71% người tiêu dùng trong nước đã tin tưởng chất lượng hàng Việt và mua hàng Việt.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hàng Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập và điều rõ nhất thể hiện việc hàng Việt “thua” ngay trên sân nhà đó là tình trạng nhiều năm nay, hàng Trung Quốc tràn lan trên thị trường nước ta.
Đặc biệt, tại chợ Đồng Xuân – chợ đầu mối ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội luôn có lượng hàng Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn, có thời điểm lên đến 90%. Trong đó có những mặt hàng được coi là rất nhỏ, rất đơn giản nhưng có đến 60% phải nhập từ Trung Quốc, như: mặt hàng dây nơ, kẹp tóc.
Tại Hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt với các thương nhân chợ Đồng Xuân diễn ra ngày 19/8 vừa qua, các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân đã cho biết những ưu thế vượt trội mà hàng Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc mang đến, hơn hẳn cách mà các doanh nghiệp trong nước đang làm.
Đó là hàng Trung Quốc có mẫu mã đẹp, giá phải chăng, doanh nghiệp Trung Quốc còn tiếp thị tận tay tiểu thương, không đặt điều kiện số lượng. Thậm chí, các tiểu thương tại chợ còn cho biết, chủ doanh nghiệp Trung Quốc mang hàng hóa đến tận quầy, nếu bán được mới lấy tiền, không bán được sẽ trả lại và sẽ khống chế trong khoảng thời gian nhất định.
Chính vì phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc, sau sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào hồi tháng 5/2014, khi nguồn hàng Trung Quốc hạn chế, không ít mặt hàng trở nên khan hiếm và tiểu thương chợ Đồng Xuân trở nên lao đao.
Bên cạnh sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc, thẳng thắn nhìn nhận thì hàng hóa Việt Nam và cách thức làm ăn của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế.
Tại Hội thảo “Cạnh tranh toàn cầu và hướng đi cho người khởi nghiệp hồi đầu năm, TS Lê Xuân Nghĩa cũng chỉ rõ lý do vì sao hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt, “chúng ta có khiếm khuyết khủng khiếp về đổi mới công nghệ, tầm tư duy kỹ thuật, tư duy trí tuệ quá yếu kém, kể cả kỹ sư vì không có thực tiễn”.
Ông dẫn chứng, một giám đốc công ty xây dựng muốn sản xuất thêm nồi đa năng và đã đặt trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thiết kế nhưng phải mất 2 năm trường Đại học Bách Khoa mới thiết kế xong với giá bán 2,1 triệu đồng. Chiếc nồi đa năng dù được quảng cáo nhiều vẫn ế.
Trong khi cùng ý tưởng sản xuất cũng chiếc nồi này tại Trung Quốc chỉ trong vòng 4 tiếng đã đưa ra 6 phiên bản thiết kế và họ nói luôn hoặc lấy thiết kế về sản xuất hoặc lấy phụ kiện về nắp ráp. Chiếc nồi có giá chỉ 210.000 đồng và bán ra 450.000 đồng.
Đồng tình với quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho biết, nguyên nhân khiến hàng Việt khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc xuất phát từ tính cách của người Việt Nam luôn coi mọi việc không xứng tầm với mình trong khi nguyên tắc thị trường là không có sản phẩm nhỏ, chỉ có thị trường lớn.
TS. Trần Đình Thiên dẫn chứng, tại Trung Quốc, một làng làm đầu bút bi dù phát triển sau nhưng họ đã thống trị toàn bộ hệ thống đầu bút bi loại nhỏ tại Trung Quốc. Có làng chỉ làm khuy áo hay cà vạt nhưng chiếm 80%-90% thị trường thế giới.
Doanh nghiệp Việt cần làm gì?
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi chia sẻ với báo giới, việc Việt Nam giáp biên giới Trung Quốc, vừa có cơ hội vừa tồn tại nhiều thách thức. Điểm bất cập mà bà Phạm Chi Lan chỉ ra là Việt Nam đã bị ám ảnh quá nên nhìn lúc nào cũng tìm cách làm thế nào để cạnh tranh, cạnh tranh mà không xác định việc học từ họ. Bởi vậy, bên cạnh người láng giềng phía Bắc lớn và mạnh như Trung Quốc, Việt Nam cần học hỏi ở họ nhiều điều, nhất là cách thức làm ăn kinh doanh.
Một số nước học được cách sống bên cạnh “người khổng lồ” như Canada bên cạnh Mỹ, Phần Lan bên cạnh Liên Xô cũ. “Học từ đối thủ cạnh tranh là quan trọng, người ta đi như thế nào để thành công và mình có thể đi thế nào để thành công, hoặc làm y sì hoặc làm khác đi…Không biết học sẽ khó để vượt lên được”, bà Lan nói.
Theo bà Phạm Chi Lan, muốn cạnh tranh với Trung Quốc ngay trên thị trường Việt Nam không phải đi soi Trung Quốc xấu gì, tránh gì mà phải tìm các ngách thị trường trúng với thị hiếu, đối tượng nhất định.
“Hàng Trung Quốc cạnh tranh trước hết vào là hàng giá rẻ và đại chúng nhưng hàng Việt Nam có thể cạnh tranh bằng chất lượng tốt và thiết kế phù hợp, ít nhất ở tầng lớp thu nhập khá hoặc đô thị. Nhìn vào cách doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với Trung Quốc ở Hoa Kỳ về hàng dệt may có thể thấy rõ trong khi Trung Quốc có ưu thế tuyệt đối về giá rẻ thì hàng Việt Nam giá cao hơn một chút nhưng vẫn thắng Trung Quốc ở Hoa Kỳ”, bà Lan hiến kế cho doanh nghiệp Việt.
Bên cạnh đó, TS. Lê Đăng Doanh lại đề xuất, trước hết cần tổ chức hệ thống phân phối bán lẻ tốt hơn, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng.
“Hiện hàng Trung Quốc cạnh tranh bằng cách giá rẻ nhưng mặt trái của hàng Trung Quốc là có rất nhiều độc hại và điều này thế giới cũng phát hiện như búp bê đầu trái cây, dép, thực phẩm… Bộ máy của chúng ta cần phải chắt lọc đừng để hàng hóa độc hại của Trung Quốc đầu độc chúng ta, đừng để hàng hóa Trung Quốc phá hoại sức khỏe con người”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói.
Vị chuyên gia kinh tế này cũng cảnh báo, không thể cạnh tranh bằng giá với Trung Quốc vì cạnh tranh bằng giá là giết chết sự sáng tạo của chúng ta, cạnh tranh bằng giá dẫn chúng ta đến con đường bần cùng, chúng ta phải cạnh tranh bằng cách làm khác, làm mới. Ngoài việc cạnh tranh bằng mẫu mã, bằng hiệu quả nhưng doanh nghiệp cũng cần phải cạnh tranh bằng ý thức, ý chí.