Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Người tiêu dùng Đông Nam Á: Sẵn sàng với kinh doanh chia sẻ

Người tiêu dùng Đông Nam Á: Sẵn sàng với kinh doanh chia sẻ

Theo một nghiên cứu gần đây của Nielsen, người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á đang hình thành nhiều cộng đồng kinh doanh theo hình thức chia sẻ tài sản cá nhân, đặc biệt tại Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Mô hình kinh doanh chia sẻ là hình thức cùng nhau hợp tác tiêu thụ và cho thuê đồ dùng giữa những người đồng cấp với nhau. Người tham gia mô hình kinh doanh này sẽ thuê hoặc chia sẻ các tài sản họ sở hữu như đồ nội thất, dụng cụ thể thao, xe hơi và nhà cửa.

Tạp chí Forbes ước tính doanh thu có được từ việc chuyển đổi tính năng của tài sản cá nhân thành công cụ kiếm tiền thông qua mô hình kinh doanh chia sẻ sẽ lên đến hơn 3,5 tỷ USD trong năm nay, tăng hơn 25% so với trước.

Nền móng cho sự xuất hiện của mô hình kinh tế chia sẻ chính là sự phát triển nhanh chóng của internet trong khu vực. Sự kết nối giữa những người tiêu dùng với nhau là yếu tố chính cho mô hình kinh doanh chia sẻ này, do đó, mô hình này có thể sẽ phát triển ở mức độ cao hơn trong những năm tới.

Người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á đón nhận hình thức kinh doanh chia sẻ khá nhanh và hiệu quả, 4 trong 5 thị trường hàng đầu tại đây đã có nhiều cộng đồng sẵn sàng chia sẻ hoặc thuê các tài sản cá nhân nhằm tiết kiệm và kiếm thêm thu nhập, Báo cáo của Nielsen cho biết.

Chỉ 12% người tiêu dùng tại Thái Lan, 13% tại Philippines, 18% tại Việt Nam, 14% tại Indonesia và 28% tại Malaysia là từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình. Singapore là thị trường khó tính nhất với mô hình kinh doanh này với 32% được hỏi vẫn chưa sẵn sàng chia sẻ tài sản cá nhân của mình, ngang bằng với tỉ lệ trung bình trên toàn thế giới (trong việc chưa sẵn sàng).

Nguồn: Thoibaonganhang

Người tiêu dùng tại Indonesia đứng hàng thứ 2 và Philippines đứng hàng thứ 4 trên toàn thế giới về việc thuê hoặc chia sẻ các sản phẩm, dịch vụ từ mô hình kinh doanh này. 87% người tiêu dùng tại Indonesia cho rằng họ sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ. Tỉ lệ này chiếm 85% tại Philippines, 84% tại Thái Lan, 76% tại Việt Nam, 74% tại Malaysia, 67% tại Singapore và 66% đối với người tiêu dùng toàn cầu.

“Mặc dù hình thức kinh doanh chia sẻ vẫn chưa thực sự phổ biến ở Đông Nam Á và trên thế giới. Chúng ta chắc chắn sẽ thấy xu hướng này tăng lên, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới. Khi thu nhập trong khu vực đang dần tăng lên, người tiêu dùng sẽ thường xuyên tìm kiếm cơ hội tăng thu nhập bằng nhiều cách, và việc chia sẻ hoặc cho thuê các vật dụng họ sở hữu cũng là một lựa chọn không tồi”, ông Vishal Bali, Giám Đốc Điều Hành Bộ Phận Người Tiêu Dùng khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương dự báo.

Các sản phẩm điện tử là thứ được người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á sẵn sàng chia sẻ hoặc thuê nhất. Tại Việt Nam, 42% người tiêu dùng sẽ thuê các sản phẩm điện tử. Tỉ lệ này ở Indonesia là 37%, Philippines là 33%, ở Thái Lan là 31%, Singapore là 26% ở và Malaysia là 24%. Ngoài ra, nhiều nơi còn chia sẻ cả các khóa học, dịch vụ, xe hơi, thậm chí là xe gắn máy.

Theo quan sát của ông Bali, “đa số những vật dụng được cho thuê phổ biến theo mô hình kinh doanh chia sẻ là những vật dụng nằm ngoài tầm với của người tiêu dùng trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Khi mà khả năng kinh tế để mua một sản phẩm là vấn đề lớn thì việc thuê lại sản phẩm đó sẽ giúp giải tỏa ngay lập tức vấn đề khó khăn về việc tìm cách để mua sản phẩm này”.