
Tốc độ tăng trưởng chững lại
Bắt đầu từ chiều ngày 30/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6 theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và bàn giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng cuối năm. Trước đó, sáng cùng ngày, Chính phủ đã có phiên họp về xây dựng thể chế.
Mở đầu Phiên họp buổi chiều, báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế phục hồi chậm, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng âm, để lại hậu quả nặng nề cho các mùa vụ sau”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích: “Tốc độ tăng GDP quý II/2016 ước đạt 5,55%, cao hơn mức tăng 5,48% của quý I. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng GDP cùng kỳ năm 2015”.
Đáng quan ngại hơn, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tốc độ tăng GDP suy giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu kinh tế. Nợ công đến cuối năm 2016 có thể vượt mức trần cho phép. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% như Quốc hội đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, 6 tháng cuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6%. “Đây là mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt là trong bối cảnh dư địa cho tăng trưởng không còn nhiều” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm
Theo các chuyên gia kinh tế, đến thời điểm này dù đã qua nửa năm, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp so với kế hoạch được giao. Trong số các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, Bộ Giao thông vận tải mới đạt 6,2%, TP. Hà Nội gần 16%. Nếu không có các giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân, tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bị đe dọa, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy cơ tăng cao.
Đề cập về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2016, tại Phiên họp, Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, tính đến ngày 29/6/2016, Bộ KH&ĐT đã nhận được các báo cáo của các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trên cả nước về vấn đề này. Tổng hợp từ các báo cáo nhận được cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân chỉ đạt hơn 33% kế hoạch năm.
Về vốn trái phiếu chính phủ, theo báo cáo của 4 bộ và 51 địa phương thì trong 5 tháng đầu năm, cả nước đã giải ngân được 6.955 tỷ đồng, đạt 18% so kế hoạch; trong đó các bộ, ngành giải ngân được 12,8%, còn địa phương giải ngân đạt trên 24% so kế hoạch. Tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa đạt như mong đợi.
Nguyên nhân giải ngân vốn chậm là do một số bộ, ngành và địa phương chậm thông báo và giao chi tiết kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2016; vướng mắc trong thủ tục chi và thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; lúng túng trong triển khai các thủ tục của Bộ Xây dựng; khó khăn giải phóng mặt bằng; năng lực yếu kém của nhà thầu…
Bổ sung thêm nguyên nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, cả nước tập trung cho hoạt động bầu cử, nên một số địa phương “đi chậm, nói khẽ” trong công tác này.