Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 5 bất ổn của thị trường bất động sản Việt Nam

5 bất ổn của thị trường bất động sản Việt Nam

Một trong những vấn đề đó được cho là tính thanh khoản của thị trường bất động sản Việt Nam còn kém.

5 bat on cua thi truong bat dong san Viet  Nam

Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 với chủ đề “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế” khai mạc sáng nay tại TP. Hạ Long.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC), Ủy viên BCH Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi đến Diễn đàn tham luận về thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó có tham luận về những bất ổn của thị trường này giai đoạn 2011 – 2014.

Thứ nhất là, tính thanh khoản rất kém, hay như nhiều người nhận định thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang đóng băng (trừ phân khúc nhà bình dân giá rẻ trên dưới 10 triệu đồng/m2 căn hộ chung cư và phân khúc nhà cho người thu nhập thấp).

Thứ hai là, nợ xấu ngân hàng trong khu vực kinh doanh bất động sản, kinh doanh đầu tư dự án bất động sản tăng dần rất nhanh và quy mô lớn.

Qua thực tế, tỷ trọng nợ xấu ngân hàng chiếm rất lớn là nợ xấu trong khu vực bất động sản. Theo khảo sát của TS Nguyễn Đại Lai (Chuyên gia kinh tế độc lập) trong bài phân tích “Nợ xấu ngân hàng và vấn đề xử lý”: “Theo tính toán chưa đầy đủ, nợ xấu ngân hàng khu vực bất động sản có đến 46,4% tổng số nợ xấu toàn hệ thống” .

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình: “Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các Ngân hàng Thương mại cơ cấu lại nợ theo cơ chế mới; đến nay đã cơ cấu lại trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó, có tới 60% các khoản nợ nếu không cơ cấu lại đã thành nợ xấu.”

Tuy nhiên, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước lại phải gia hạn một lần nữa việc giải quyết nợ xấu ngân hàng, bằng việc ban hành Thông tư 09/2014/TT-NHNN ngày 18-03-2014 “Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21-01-2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-03-2014.

Thông tư này gia hạn cho phép cơ cấu lại nợ đến thời điểm 01-04-2015 (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ). Một lần nữa “điểm nghẽn” nợ xấu ngân hàng cần phải một thời gian nữa mới có thể phá vỡ được.

Thứ 3 là, từ bất ổn thị trường bất động sản kéo theo hàng tồn kho của doanh nghiệp lớn, hàng tồn kho của các công ty vật liệu xây dựng, các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản, các công ty sắt thép…

Thứ 4 là, nhà đầu tư mất niềm tin, rất ít có giao dịch mua bán bất động sản thành công, bởi lý do: (i) Nhà đầu tư còn lo âu chờ đợi giá bất động sản tiếp tục giảm. (ii) Một số doanh nghiệp bất động sản bị phá sản, không trả được nợ vay ngân hàng, tài sản thế chấp không rõ ràng, minh bạch. (iii) Doanh nghiệp vừa thế chấp tài sản cho ngân hàng để được vay đầu tư. Đồng thời bán trước căn hộ chung cư cho khách hàng với hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư. Trong thực tế đã có dự án bị ngân hàng siết nợ, người mua căn hộ gặp khó khăn, khiếu kiện kéo dài, phần thiệt hại người mua gánh chịu.

Thứ 5 là, tác động đến sự ổn định kinh tế vĩ mô (hiện nay có ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chưa bền vững) và an sinh xã hội: Từ các yếu tố bất ổn nêu trên nói lên hiện trạng doanh nghiệp trong các ngành có liên quan kinh doanh bất động sản rất khó khăn; nhiều đơn vị thua lỗ, phá sản, tạm ngừng hoạt động…

Nguồn Theo DVO