Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 6 tháng cuối sẽ cứu cả năm

6 tháng cuối sẽ cứu cả năm

Mặc dù kinh tế vẫn còn khó khăn, nhưng cho đến thời điểm này nhiều người dân, doanh nghiệp đã cảm thấy “dễ thở” hơn. Liệu có phải là do nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi, hay do tâm lý quen chịu đựng của người dân? NCĐT đã trao đổi với Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, xung quanh vấn đề này.
.
Tiến sĩ Trần Du Lịch.

Những điều được nói nhiều trong 6 tháng đầu năm là doanh nghiệp không vay được vốn, sản xuất đình đốn và sức mua yếu. Vậy đến nay đã có gì khởi sắc?

Phải thừa nhận kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, thể hiện qua việc GDP tăng qua từng quý (quý I/2013, tăng 4,76%; quý II tăng 5%). Tuy nhiên, tốc độ phục hồi này quá chậm. Chúng ta vẫn còn trong giai đoạn khá trì trệ mặc dù niềm tin có tăng lên. Sức mua thị trường chưa tăng đáng kể, đặc biệt là thị trường nông sản. Chính vì vậy, dù hàng tồn kho có giảm nhưng hoạt động tại các nhà máy phục hồi chậm.

Nhưng vấn đề là doanh nghiệp đã tiếp cận được vốn chưa?

Tôi đã gặp gỡ rất nhiều ngân hàng. Họ đều nói rằng nếu có khách hàng nào cần vay mà hội đủ điểu kiện thì hãy giới thiệu cho họ. Có nghĩa là ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiêp vay nếu có năng lực tài chính tốt và thị trường tốt. Tuy nhiên, số này chưa mạnh dạn đi vay để đầu tư bởi họ chưa nhìn thấy được triển vọng ở các thị trường.

Còn số doanh nghiệp đang nợ nần chồng chất thì khó vay vốn tiếp, vì ngân hàng không phải cho vay với bất cứ giá nào do còn lo nợ xấu. Đây chính là điểm mâu thuẫn. Từ nay đến cuối năm, giải quyết được một phần mâu thuẫn này mới có thể giúp tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu cả năm 12%.

Nút thắt về nợ xấu đã được tháo gỡ phần nào chưa?

Nợ xấu có giảm, nhưng chủ yếu là nhờ các ngân hàng cơ cấu lại nợ. Còn nợ gắn liền với hàng tồn kho bất động sản chưa được cải thiện nhiều. Hơn nữa, hiện nay xảy ra tình trạng nợ lẫn nhau và không chỉ doanh nghiệp nợ ngân hàng. Ví dụ, nợ đọng xây dựng cơ bản hiện khá lớn và từ khoản nợ này sẽ dẫn đến khoản nợ khác. Do đó, trong ngắn hạn, phải xử lý được một phần nợ đọng xây dựng cơ bản. Có như vậy, doanh nghiệp mới trả được nợ ngân hàng và được vay vốn mới.

Sự ra đời của công ty mua bán nợ có giúp làm giảm nợ xấu từ nay đến cuối năm không?

Tôi ủng hộ việc Chính phủ thành lập công ty mua bán nợ. Tuy nhiên, muốn xử lý nợ xấu, cần tiến hành nhiều giải pháp, chứ không phải trông chờ vào mỗi công ty mua bán nợ. Lý do là công ty này không có dòng tiền lớn để bơm vào hệ thống mà dựa vào các công cụ tín dụng để huy động vốn.

Do đó, điều quan trọng là phải tạo điều kiện để doanh nghiệp trả được nợ. Đặc biệt là chú ý việc “hâm nóng” một phần bất động sản theo tinh thần Nghị quyết 02 để tháo gỡ nợ xấu từ khu vực này. Như vậy, mới tạo điều kiện cho công ty mua bán nợ hoạt động hiệu quả.

Trong số hơn 500 công ty niêm yết, có 66% đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu cao hơn năm ngoái, đặc biệt là nhóm vật liệu xây dựng. Có phải nhờ thị trường địa ốc ấm lên?


Quả thật thị trường bất động sản đã có dấu hiệu ấm lên. Đó là nhờ vào phân khúc nhà ở cho người thu nhập trung bình, thấp. Phân khúc này có nhu cầu lớn và đang được nhiều nhà đầu tư chú trọng. Điều đó đã giúp hâm nóng thị trường bất động sản, kéo theo hâm nóng thị trường xây dựng và vật liệu xây dựng.

Do đó, những doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng doanh thu, tức là họ đã có tính toán về phương diện thị trường chứ không phải đặt mục tiêu một cách chủ quan. Sức khỏe của các công ty niêm yết giống như một hàn thử biểu về sức khỏe nền kinh tế. Nó cho thấy kinh tế đang phục hồi.

Từ nay đến cuối năm, gói cho vay nhà ở xã hội dành cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà có tạo được cú hích cho nền kinh tế?

Điều này còn tùy thuộc vào cách làm và dường như trong nửa năm nay, chúng ta vẫn còn lúng túng trong việc triển khai gói hỗ trợ này. Đối tượng nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở đã có, nhưng tôi cho rằng khi triển khai Nghị quyết 02, cần lưu ý loại nhà phổ thông có giá dưới 1 tỉ đồng ở TP.HCM, Hà Nội và nhà có giá từ 500-600 triệu đồng ở các nơi khác.

Gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng nên hướng vào tín dụng cho người mua. Như vậy sẽ tạo tác động tích cực hơn. Dĩ nhiên, đối với nhà ở xã hội, ngoài hỗ trợ về tín dụng, vừa rồi thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng được Quốc hội cho giảm xuống còn 5% từ ngày 1.7. Điều này sẽ tác động tích cực lên tâm lý người dân, từ đó có hiệu ứng lan tỏa tốt đối với nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2013 cũng như trong năm 2014.

Có nhiều cơ hội tăng trưởng như vậy, ông có lo ngại lạm phát năm nay sẽ vượt mục tiêu 8%?

Đây là điều đáng lo ngại và tôi cũng đã trình bày trước Quốc hội trong kỳ họp vừa qua. Chúng ta nên tính toán để tạo sự đồng bộ giữa 3 nhóm chính sách và cả 3 nhóm này đều phải nhìn về trung hạn cho đến hết năm 2015.

Nhóm thứ nhất là chính sách tiền tệ, bao gồm vấn đề lãi suất, cung tiền, tỉ giá. Nhóm thứ hai là chính sách tài khóa, chọn lọc đầu tư công và các chính sách hỗ trợ thuế. Nhóm thứ ba là điều chỉnh các loại giá dịch vụ như điện, y tế. Ba nhóm này tạo ra một gói tổng thể và cần được xử lý hài hòa trong từng quý, trong 6 tháng, từ nay đến hết năm 2015.

Với cách làm như vậy, giả sử đặt mục tiêu lạm phát trong 3 năm tới ở mức 7% thì lúc đó chúng ta tính toán xem dư địa của từng nhóm trong tổng thể 3 nhóm chính sách là bao nhiêu. Có như thế mới không bị động trong việc lạm phát quay trở lại và kinh tế sẽ được phục hồi mà lạm phát không tái phát. Còn nếu làm theo kiểu độc lập, thiếu gắn bó giữa ba nhóm này thì có thể gây lạm phát cao và hiệu quả điều hành lại thấp.

Nguồn Nhipcaudautu.vn