Go to Top
Trang chủ > Tin tức > CPI tháng 4: Tăng nhưng vẫn đáng lo ngại

CPI tháng 4: Tăng nhưng vẫn đáng lo ngại

Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2014 tăng nhẹ nhưng các chuyên gia kinh tế cảnh báo sức mua vẫn còn rất yếu và cần phải sử dụng các biện pháp để kích cầu.

Sau khi ghi nhận mức âm của tháng 3/2014, CPI đã tăng trở lại trong tháng 4/2014 với mức tăng rất thấp – 0,08%. Dù vậy, so với cùng kỳ, CPI tháng 4/2014 tăng 4,45% và con số này là 0,88% so với tháng 12/2013. Đây cũng là mức tăng thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.

Nhận định về mức tăng này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là tín hiệu của ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát không cao nhưng mặt khác vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Chỉ số CPI thấp đang chứng minh sức mua của dân yếu và các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chết. Các hoạt động kinh tế tiếp tục giảm bởi niềm tin của người tiêu dùng ở mức thấp.

“Có quan điểm cho rằng, CPI tăng thấp không phải do sức mua yếu mà là vì tâm lý người tiêu dùng đã ổn định – theo tôi là chưa đúng. Cũng có thể tâm lý người tiêu dùng đã ổn định phần nào nhưng cơ bản vẫn là thể hiện rõ sức mua giảm sút, lượng hàng tồn kho nhiều. Người tiêu dùng thời điểm này chỉ chi tiêu vào những lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục…”, ông Doanh lý giải.

Dự đoán chỉ số CPI của những tháng tiếp theo trong năm, ông Doanh cho rằng không nên dựa vào xu hướng của CPI 4 tháng đầu năm để dự đoán cho cả năm bởi có thể sẽ có những điều chỉnh chính sách vĩ mô trong năm nay và sẽ có tác động không nhỏ đến CPI.


CPI tăng nhẹ,các chuyên gia kinh tế cảnh báo sức mua vẫn còn rất yếu và cần phải sử dụng các biện pháp để kích cầu.

Một số chuyên gia cho rằng, việc CPI tháng 4 tăng nhẹ hoặc hoặc gần như không tăng là đúng với quy luật diễn biến CPI của Việt Nam. Thường thì thời điểm tháng 3, 4, chỉ số này giảm hoặc không tăng.

Cụ thể, từ năm 2008 trở lại đây, CPI các tháng 4, ngoại trừ hai năm có lạm phát cao là 2008 và 2011thì đều tăng rất thấp.

CPI tháng 4/2013 tăng 0,02%; năm 2012 tăng 0,05%; con số tương ứng của năm 2010 là 0,14%; năm 2009 là 0,35%…

Chia sẻ quan điểm vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, tốc độ CPI tháng 4 vừa qua tăng thấp như vậy là do cầu thấp, do chính sách tiền tệ thắt chặt, sản xuất khó khăn, đình trệ, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ và phá sản…

“Có quan điểm cho rằng nền kinh tế khởi sắc nhưng thực tế sức mua còn yếu lắm! CPI trước tới nay thường tăng, giảm theo quy luật nhưng từ năm 2012 tới nay thì không. 4 tháng qua mà mức tăng cũng chỉ đạt 0,88%. CPI tăng thấp thế này sẽ đạt được mục tiêu đề ra là giữ lạm phát khoảng 7% nhưng song song với đó lại tồn tại những hạn chế như sức mua kém, hàng tồn kho tăng, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ…”, ông Long cho hay.

Trước những hạn chế trên, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để kích thích tăng trưởng đúng với khả năng.

Đối với quan điểm cho rằng cần gói kích cầu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Long khuyến cáo nên thận trọng. Nếu không cẩn trọng thì khi sử dụng gói kích cầu sẽ khiến chi phí tăng, dẫn tới lạm phát tăng cao.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh thì cho rằng, cần phải kích cầu bằng nhiều biện pháp, trong đó tạo công ăn việc làm để tạo thu nhập cho người dân.

Ông cũng đồng thời cảnh báo : “Rất có thể  trong bối cảnh CPI đang diễn biến thấp, lắng dịu về giá cả, các doanh nghiệp xăng, dầu, điện…sẽ tranh thủ tăng giá .”./.