Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Hàng tiêu dùng chưa biến động nhiều

Hàng tiêu dùng chưa biến động nhiều

Theo đánh giá chung, giá các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chưa có nhiều biến động sau hơn 1 tuần đồng nhân dân tệ giảm giá.

Hàng nhập khẩu tăng

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại và linh kiện, vải các loại, phân bón… Từ khi đồng nhân dân tệ giảm giá, hoạt động nhập khẩu đã tăng lên đáng kể. Theo ông Nguyễn Quyết Chiến, Chi cục trưởng Hải quan quốc tế Lào Cai, từ ngày 11/8 đến ngày 14/8, tổng kim ngạch xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai giảm sút, chỉ đạt gần 900 nghìn USD; trong khi đó, nhập khẩu tăng rất mạnh, gấp hơn ba lần, đạt 3,2 triệu USD.

Nhiều tiểu thương chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết, giá hàng hóa không biến động nhiều sau khi đồng nhân dân tệ phá giá. Ảnh: Thu Trang

Tuy nhiên, hoạt động buôn bán tại các khu vực cửa khẩu chưa có nhiều biến động. Chị Vũ Thị Hồng, một hộ kinh doanh tại Lào Cai cho biết, đồng nhân dân tệ giảm giá nhưng số tiền giảm là khá ít, sự biến động không nhiều. “Nếu trước đây một chiếc quần tất tôi nhập về có giá là 10 nhân dân tệ, tương đương 35.200 đồng thì bây giờ còn 34.600 đồng. Giá nhập giảm nên giá bán ra cho người lấy buôn sẽ giảm xuống một chút, còn đối với khách lẻ sẽ không thay đổi”, chị Hồng cho biết.

Tại Lạng Sơn, theo khảo sát của phóng viên, hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu này hiện chưa có nhiều biến động. Bởi đa phần các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở địa phận khác, chỉ đi qua địa bàn Lạng Sơn. Còn các hoạt động buôn bán tại các chợ đầu mối, dân sinh không có nhiều thay đổi. Tại chợ cửa khẩu Tân Thanh, theo ghi nhận ngày 19/8, chợ khá vắng khách, nhiều cửa hàng đóng cửa, giá cả các mặt hàng nhìn chung không có thay đổi nhiều.

Giá giảm không đáng kể

Ghi nhận tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, vốn là nơi nhập nhiều hàng Trung Quốc như Long Biên, Ninh Hiệp, Đồng Xuân… cũng thấy giá cả chưa có nhiều biến động. Chị Nguyễn Hạnh, chủ một cửa hàng quần áo tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, ngày 18/8, chị sang chợ đầu mối Ninh Hiệp để nhập vải. Chị Hạnh cho biết, khi nghe thông tin giá nhân dân tệ giảm, chị Hạnh đã hi vọng mua được hàng giá rẻ hơn so với trước. Tuy nhiên, khi đến chợ, giá nhập hàng không có sự chênh lệch so với 2 tuần trước là mấy. “Khi hỏi các tiểu thương ở chợ, họ bảo giá bán lẻ sẽ không có gì thay đổi, tôi mua ở 4 cửa hàng thì đều như vậy”, chị Hạnh cho biết.

Chủ cửa hàng vải Huyền Trung tại chợ Ninh Hiệp cho biết, cửa hàng chị nhập với số lượng không nhiều và ngay ngày hôm trước nhập hàng cũng không thấy có biến động gì về giá cả. Vì vậy, cửa hàng vẫn bán theo giá bình thường. Các chủ cơ sở nhập hàng với số lượng nhiều, giá cũng giảm đôi chút nhưng không đáng kể.

Đối với mặt hàng hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc có giảm giá nhẹ, trung bình mỗi loại giảm giá từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Cụ thể, dưa vàng hiện giá nhập là 15.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với trước, táo từ 25.000 đồng còn 20.000 đồng/kg. Theo một thương lái chuyên nhập hoa quả cung cấp tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thì việc giảm tỉ giá chưa tác động nhiều đến hàng hóa nhập về Việt Nam. Hiện mỗi ngày thương lái này nhập 200 tấn hoa quả các loại. “Nhu cầu mua chưa tăng nên tôi vẫn giữ mức nhập hàng như bình thường, phải cuối tháng và đầu tháng sau vào dịp rằm tháng 7, Trung thu mới là cao điểm nhập hàng, có hôm nhập lên tới 500 tấn”, thương lái này cho hay.

Ông Đàm Đình Dũng, Trưởng Ban quản lý chợ Long Biên cho biết, lượng xe hàng về chợ Long Biên trong một tuần qua không có biến động nhiều so với trước. “Thường sát ngày rằm, mùng 1 thì hàng mới về nhiều do nhu cầu của người dân tăng lên, còn những ngày này lượng hàng hóa vẫn ổn định”, ông Dũng cho biết.

Theo một số tiểu thương tại chợ Đồng Xuân, giá nhập các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, cặp, giày dép… có giảm nhưng chỉ chênh lệch với giá cũ rất ít. “Giá nhập giảm thì giá bán cũng giảm, chúng tôi là đầu mối thì vẫn giữ mức giao dịch như trước”, chị Mai, chủ cơ sở chuyên đổ mối tại chợ Đồng Xuân cho biết.

Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân đánh giá, việc đồng nhân dân tệ phá giá hiện chưa có tác động đến hoạt động buôn bán của các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân. “Người bán lẻ cho đến người nhập bán buôn vẫn giữ giá bán cũ, chưa thấy có sự thay đổi gì. Thậm chí lượng hàng nhập về còn ít hơn trước vì họ còn nghe ngóng xem biến động tỉ giá như thế nào”, ông Thủy cho biết.

Riêng mặt hàng rau củ, kể cả hàng trong nước hay hàng nhập, giá đều tăng hơn so với trước do biến động về thời tiết là chủ yếu, còn tác động của đồng nhân dân tệ không cao. Chị Minh Ngọc, tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho biết, giá rau hiện tại tăng hơn so với 1- 2 tuần trước do thời tiết vừa rồi mưa nhiều, nhiều diện tích trồng bị hỏng. “Tôi nghe mọi người nói giá tiền Trung Quốc giảm thì hàng nhập cũng giảm nhưng thực tế đi lấy hàng thì không có thay đổi gì, thậm chí còn cao hơn trước và cao hơn rau trong nước”, chị Ngọc nói.

Nhóm phóng viên/tintuc.vn