Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Năm 2014, đất khu công nghiệp ‘trầm’ hay ‘bổng’?

Năm 2014, đất khu công nghiệp ‘trầm’ hay ‘bổng’?

(NDH) CBRE Việt Nam đặt hy vọng vào sự nóng lên của đất khu công nghiệp trong năm 2014. Tuy nhiên, Cushman & Wakefield lại cho rằng hoạt động của phân khúc này sẽ tiếp tục trầm lắng.
.

Cushman & Wakefield: Hoạt động cho thuê sẽ trầm lắng

Báo cáo của Cushman & Wakefield cho thấy, trong quý 4/2013, thị trường bất động sản khu công nghiệp tại Tp.HCM không có nguồn cung mới nào đi vào hoạt động. Hiện, Tp.HCM có 18 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 3.600 ha. Trong đó, diện tích có thể cho thuê chiếm 62% tổng diện tích đất, đạt hơn 2.200 ha. Thời hạn sử dụng đất còn lại của các khu công nghiệp khoảng 28 – 45 năm.

Theo tính toán của Cushman & Wakefield, đến năm 2020, tổng nguồn cung ước tính sẽ tăng lên khoảng 3.000 ha, tăng 85% so với nguồn cung hiện tại. Tp.HCM sẽ có khoảng 30 khu công nghiệp mới lẫn các khu công nghiệp mới mở rộng đi vào hoạt động, tăng 12 khu công nghiệp so với nguồn cung tại thời điểm quý 4/2013.

Cushman & Wakefield cho rằng, hoạt động cho thuê trầm lắng được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra trong những năm tới, điều này sẽ gây áp lực lên giá thuê. Giá chào thuê trung bình quý 4/2013 tại Tp.HCM đạt 2.568.000 VND/m2/thời hạn thuê – thời hạn sử dụng đất (122 USD/m2/thời hạn thuê). Mức giá này giảm gần 2% so với quý trước và 4% so với cùng kỳ năm trước đó.

CBRE: Đất khu công nghiệpsẽ “nóng” trong năm 2014

Với nhận định trái chiều, ông Richard Leech – Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE Việt Nam lại cho rằng: Phân khúc thị trường bất động sản sẽ có triển vọng nhất trong năm 2014 này có thể là đất khu công nghiệp.

Theo ông Richard Leech, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đến thị trường Việt Nam để thuê đất xây dựng khu công nghiệp. Bởi vì tại Việt Nam, nhà đầu tư sẽ có nhiều sự lựa chọn để thuê mặt bằng hợp lý như chế độ ưu đãi của Chính phủ, chuỗi cùng ứng có sẵn, giá cả giữ ổn định

Sự kỳ vọng đó dựa trên nhu cầu tìm hiểu thị trường và cơ hội đầu tư vào Việt Nam từ các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Richard Leech, Việt Nam đang có cơ sở hạ tầng tốt lên, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng qua sân bay hoặc hải cảng. Khoảng cách từ Việt Nam đến thị trường lớn Trung Quốc cũng tương đối ngắn là một trong những yếu tố các nhà đầu tư nước ngoài quan.

Bất động sản khu công nghiệp là phân khúc lớn và có những đặc thù riêng, dù rất hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.

Các doanh nghiệp nước ngoài khi sang Việt Nam đầu tư thường tìm kiếm sự tư vấn từ những công ty môi giới nước ngoài như Savills, CBRE, Cushman & Wakefield…hoặc nhờ công ty đối tác giới thiệu, bạn bè tư vấn…Chính vì lý do đó, phân khúc bất động sản này bị lãng quên và thậm chí là các sàn giao dịch đã bỏ qua.

Trong tương lai, với những lợi thế sẵn có, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn kỳ vọng khu công nghiệp sẽ tiếp tục sôi động bởi Việt Nam hiện vẫn đang là địa điểm rất thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.