Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Biển Đông dậy sóng, IPP 5 tháng đầu năm vẫn tăng 5,6%

Biển Đông dậy sóng, IPP 5 tháng đầu năm vẫn tăng 5,6%

Mặc dù những biến động Biển Đông tác động rất nhiều đến tâm lý người dân và các doanh nghiệp, tuy nhiên hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn có những khởi sắc đáng kể.

Mặc dù những biến động của tình hình Biển Đông tác động rất nhiều đến tâm lý người dân và các doanh nghiệp, tuy nhiên hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn có những khởi sắc đáng kể.

Sản xuất công nghiệp phục hồi

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, mặc dù biến động Biển Đông gây ra rất nhiều ảnh hưởng về tâm lý của người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên trong tháng 5/2014, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) vẫn tăng 2,0% so với tháng 4 và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tăng mạnh nhất là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%, kế tiếp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%, ngành cung cấp và xử lý nước thải, rác thái tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, IPP tăng 5,6%, đây là mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2013 so với năm 2012 tăng 5,2%). Trong đó sản xuất và phân phối điện tăng 10,6%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%, cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,1%.

Những con số trên phần  nào cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi sản xuất trong nội tại nền kinh tế nước ta trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, chỉ riêng có ngành công nghiệp khai khoáng là đang có dấu hiệu giảm xuống, với mức giảm của tháng 5 là 0,8% và 5 tháng đầu năm giảm 2,1%. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công thương cũng khẳng định, thông số này hoàn toàn phù hợp với lộ trình phát triển của nước ta, nằm trong nhóm những mặt hàng chúng ta không khuyến khích.

Tình hình tiêu thụ tiếp tục tăng

Tháng 4 năm 2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,7% so với tháng trước đó, và tăng 16,3% so với tháng cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở nhóm hàng chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản (tăng 19,8%), sản xuất đường tăng 14,7%, sản xuất giày dép tăng 20,7%, sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 16,2%, sản xuất thiết bị truyền thông tăng 24%.

Bên cạnh đó, một số  nhóm hàng có chỉ số tiêu thụ gảm so với cùng kỳ. Cụ thể, dẫn đầu là sản xuất mô tô, xe máy giảm 11,1%, kế tiếp là sản xuất thuốc lá giảm 9,3%. Giảm thấp nhất là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa với mức giảm là  1,0% so với cùng kỳ.

Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp cũng có những chuyển biến đáng kể. Tại thời điểm ngày 1/5/2014, chỉ số tồn kho toàn ngành tăng 2% so với thời điểm cùng kỳ tháng trước và tăng 12,6% so với cùng thời điểm năm trước. Với con số 2%, có thể thấy  đây là mức tăng khá thấp so với 6,2% tại thời điểm 1/4/2014 so với 1/3/2014.

Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho cao là sản xuất thuốc lá với mức tăng 157,7%, tiếp theo là sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 52,6%,  sản xuất đường tăng 16%, sản xuất giày dép tăng 42,6%…

Lý giải về nguyên nhân chỉ số tồn kho một số mặt hàng vẫn tăng khá cao, Bộ Công thương cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do tiêu thụ tăng trưởng ở mức thấp và trung bình, thậm chí giảm và một phần do phải cạnh tranh vói hàng nhập khẩu giá rẻ.

Nguồn: Báo seatime