Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 12/6

Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 12/6

Việc BOJ không mở rộng gói kích thích kinh tế như cam kết khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu, kéo chứng khoán toàn cầu giảm hơn 1%.

.

Giới đầu tư lo lắng và theo dõi hành động của các Ngân hàng Trung ương lớn – Ảnh: Reuters

Phố Wall giảm mạnh: Phố Wall giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không có thêm biện pháp mở rộng chương trình kích thích kinh tế, khiến nhà đầu tư nghi nghờ về cam kết trước đây của BOJ. Sau BOJ, giới đầu tư toàn cầu lo lắng một loạt ngân hàng trung ương lớn khác cũng sẽ có hành động tương tự khiến đà phục hồi của nền kinh tế thế giới vốn đã yếu ớt càng thêm khó khăn.

Động thái trên của BOJ khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản và đồng yên tăng vọt, trong khi cổ phiếu bị bán ra đồng loạt trên thị trường chứng khoán toàn cầu, khiến các thị trường giảm trên 1% trong phiên giao dịch ngày 11/6. Ngoài BOJ, giới đầu tư Phố Wall còn phấp phỏng về kế hoạch cắt giảm chương trình kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Cụ thể, kết thúc phiên 11/6, chỉ số Dow Jones giảm 116,57 điểm (-0,76%), xuống 15.122,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,68 điểm (-1,02%), xuống 1.626,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 36,82 điểm (-1,06%), xuống 3.436,95 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm: Ảnh hưởng chung từ tâm lý lo lắng về kế hoạch của BOJ, cùng với việc tòa án liên bang Đức đã bắt đầu phiên điều trần để giải quyết triệt để chương trình giao dịch tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cơ chế ổn định châu Âu. Việc này dấy lên mối lo ngại rằng, khu vực đồng euro sẽ tan rã. Cụ thể, kết thúc phiên 11/6, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 60,37 điểm (-0,94%), xuống 6.340,08 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 85,23 điểm (-1,03%), xuống 8.222,46 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 53,80 điểm (-1,39%), xuống 3.810,56 điểm.

Chứng khoán châu Á giảm: Việc BOJ không có chương trình mở rộng gói kích thích kinh tế như cam kết, cùng với dữ liệu yếu trước đó của kinh tế Trung Quốc khiến chứng khoán châu Á giảm mạnh. Dù Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda trấn an giới đầu tư toàn cầu rằng, nếu có diễn biến bất lợi nào thêm nữa trong tương lai, BOJ sẽ hành động để bơm tiền ra hỗ trợ, tuy nhiên, lời trấn an này không giúp đà bán tháo lan rộng trên các thị trường chứng khoán. Cụ thể, kết thúc phiên 11/6, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 196,58 (-1,45%), xuống 13.317,62 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 260,43 điểm (-1,20%), xuống 21.354,66 điểm. Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch.

Giá vàng giảm: Dù đồng USD giảm mạnh, nhưng giá vàng vẫn giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần do những lo ngại liên quan đến các chính sách của các Ngân hàng Trung ương châu Âu, ảnh hưởng đến nền kinh tế của toàn cầu, khiến nhu cầu vàng giảm. Kết thúc phiên 11/6, giá vàng giao ngay trên sàn New York giảm 8,61 USD, xuống 1.376,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex giảm 9 USD, xuống 1.377 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm: Cũng như giá vàng, giá dầu cũng giảm mạnh bất chấp đồng USD giảm giá. Giá dầu giảm khi cơ quan năng lượng của Mỹ thay đổi dự báo về trữ lượng dầu đá phiên của quốc gia này từ 32 tỷ thùng năm 2011 lên 58 tỷ thùng do các mũi khoan thăm dò ở các mỏ mới cho kết quả khả quan. Ngoài ra, lo lắng các Ngân hàng Trung ương “hết võ” để kích thích nền kinh tế ốm yếu cũng khiến giá dầu giảm do lo ngại nhu cầu sẽ giảm theo đà phục hồi yếu của nền kinh tế. Kết thúc ngày 11/6, giá dầu Brent giảm 1,1 USD, xuống 102,85 USD/ounce. Giá dầu thô tại thị trường NewYork giảm 0,39 USD, xuống 95,38 USD/thùng.

Nguồn : Tinnhanhchungkhoan.vn