Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kích cầu tăng trưởng kinh tế: Tăng đầu tư công?

Kích cầu tăng trưởng kinh tế: Tăng đầu tư công?

Chúng ta có thể tăng đầu tư công để kích hoạt thị trường sôi động trở lại. Vấn đề là làm thế nào để xử lý hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.
.

Tăng đầu tư công để kích hoạt thị trường sôi động trở lại

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra cảnh báo: Trong khi kinh tế thế giới dường như đã ấm lên thì Việt Nam lại đang kẹt trong tăng trưởng chậm so với chính mình trước đây và so với các nước trong khu vực.

Cảnh báo đó không sai, bởi đã mấy năm nay, nền kinh tế nước ta đang “luẩn quẩn” với mục tiêu tăng trưởng và giảm lạm phát, các ngân hàng “luẩn quẩn” với nợ xấu và tăng trưởng tín dụng, các doanh nghiệp “luẩn quẩn” với hàng tồn kho và vốn.

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng năm 2013 ở mức 5,5% theo Nghị quyết của Quốc hội, nhiều ý kiến đề xuất cần có gói kích cầu đủ mạnh, chủ yếu là tăng đầu tư công để kích thích tăng trưởng. Một số thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề nghị nên tăng đầu tư công thêm 200.000- 300.000 tỷ đồng (khoảng trên 10 tỷ USD) để kích cầu.

Chúng ta có thể thực hiện giải pháp đó hay không? Có ý kiến cho rằng, làm như vậy chẳng khác nào “tự sát” vì vòng tròn “lạm phát- cắt giảm- kích cầu- lạm phát” như những năm trước sẽ tái diễn vào năm 2014.

Tuy nhiên, sẽ không hoàn toàn đúng nếu đoạn tuyệt với việc tăng đầu tư công, coi đó như một “ngòi nổ” nguy hiểm dẫn đến lạm phát. Bởi, thực tiễn phát triển kinh tế của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, đầu tư công là một trong những nhân tố rất quan trọng để kích thích nhu cầu tiêu dùng cho sản xuất và từ đó kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Chúng ta vẫn có thể tăng đầu tư công để kích hoạt thị trường sôi động trở lại, các doanh nghiệp bán được hàng tồn kho, người lao động có thêm việc làm và góp phần tăng trưởng kinh tế. Vấn đề là làm thế nào để xử lý hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.

Thực tiễn phát triển kinh tế của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, đầu tư công là một trong những nhân tố rất quan trọng để kích thích nhu cầu tiêu dùng cho sản xuất và từ đó kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Thực tế ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, không phải tăng đầu tư công và lạm phát là một “cặp đôi”. Tăng đầu tư công chỉ dẫn đến lạm phát ở những trường hợp nhất định: Trước hết là khi đầu tư công trở thành một “phong trào. Những năm qua, Việt Nam đã rơi vào tình trạng này khi bệnh “nghiện dự án” xảy ra ở khắp các địa phương trong cả nước. Thứ hai là khi đầu tư công kém hiệu quả. Chúng ta đã và đang trả giá cho tình trạng này khi hiệu quả đầu tư công càng ngày càng kém. Trong giai đoạn từ năm 2000- 2006, để có 1 đồng giá trị gia tăng, cần 4,9 đồng đầu tư, nhưng từ năm 2007- 2011 tỷ lệ là 7,7. Khu vực nhà nước luôn dẫn đầu về đầu tư kém hiệu quả: Từ năm 2000- 2007, chỉ tiêu trên là 7,1 và tăng lên 9,9 trong giai đoạn 2007- 2011.

Từ thực tiễn đó, chúng ta vẫn có thể tăng đầu tư công mà tác động không lớn tới lạm phát với điều kiện đặc biệt quan trọng là: Không để đầu tư công trở thành một “phong trào”, phát triển ồ ạt như trước. Trước mắt, cần rà soát và cho khởi động trở lại những dự án đã triển khai nhưng đã bị tạm dừng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 1792. Tất nhiên, đó phải là những dự án thực sự cần thiết cho sự phát triển kinh tế của đất nước và có thể kết thúc nhanh để phát huy tác dụng. Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ, không để có quá nhiều “phát sinh” làm tăng tổng vốn đầu tư cho từng dự án dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.

 


Theo Báo Công Thương