Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Ngành sợi dồn dập dự án mới

Ngành sợi dồn dập dự án mới

Dự án xây dựng Nhà máy Sợi Phú Hưng tại Khu công nghiệp Phú Bài (Thừa Thiên Huế), do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) làm chủ đầu tư, sẽ được khởi công trong tháng 7/2013.
.

Đó chỉ là một trong hàng loạt dự án mà Vinatex dự kiến sẽ triển khai trong năm 2013 – 2014, nhằm cụ thể hoá Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam đến năm 2015, bổ sung năng lực cung ứng cho ngành sợi trong nước.

Nhà máy Sợi Đại Cường (Thái Bình) thuộc diện hiện đại nhất Đông Nam Á (Ảnh: Chí Cường)

Nhà máy Sợi Phú Hưng có quy mô 21.600 cọc sợi, trong đó, giai đoạn I có quy mô 14.400 cọc, với tổng mức đầu tư 253 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành, Nhà máy sẽ sử dụng trên 200 công nhân, sản lượng 240 tấn/tháng. Mặt hàng sản xuất chính của nhà máy này là sợi 100% cotton.

Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex cho biết, Nhà máy Sợi Phú Hưng được xây dựng theo mô hình dự án mẫu.

Theo đó, phải đảm bảo các mục tiêu về thiết kế, tiến độ, hình thức, chất lượng sản phẩm, hiệu quả vận hành nhà máy… Đặc biệt, để giảm thiểu chi phí đầu tư, thời gian xây dựng nhà máy này chỉ gói gọn trong vòng 12 tháng.

Ngoài dự án trên, với vai trò là doanh nghiệp hạt nhân trong ngành dệt may, Vinatex cũng đã thành lập liên doanh với Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) để xây dựng Nhà máy sợi tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định).

Theo Vinatex, nhà máy liên doanh với Itochu sẽ sản xuất 50.000 cọc, sợi chỉ số 200, sản phẩm dệt kim, dệt thoi, với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD. Tỷ lệ góp vốn cụ thể của các bên trong liên doanh chưa được công bố.

Đáng lẽ, dự án này đã được khởi công từ cuối năm 2012, nhưng do một số vướng mắc về thủ tục pháp lý, nên việc đầu tư bị chậm lại. Itochu và Vinatex đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để có thể khởi công Dự án vào cuối năm nay.

Ông Trường cho biết, từ năm 2012 đến nay, với vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt, Vinatex chủ trương đẩy mạnh đàm phán với các đối tác nước ngoài để liên kết đầu tư nhằm tận dụng thế mạnh về công nghệ, thiết bị, thị trường và khách hàng của các đối tác lớn. Với nỗ lực đó, Vinatex đã hợp tác với Tập đoàn Texhong (Hồng Kông), Toray International và Mitsui (Nhật Bản), Lenzing (Áo), Công ty TNHH Dệt may Sunrise (Trung Quốc)…

Trong khi đó, Tập đoàn TAL (Hồng Kông), doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã có nhà máy sản xuất tại Việt Nam cũng vừa xác nhận kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có dự án sản xuất sợi và dệt nhuộm, với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD.

Ông Roger Lee, Giám đốc phát triển thuộc Tập đoàn TAL cho biết, nếu thủ tục thuận lợi, việc lựa chọn địa điểm suôn sẻ, TAL sẽ sớm triển khai dự án đầu tư mở rộng này. Địa bàn mà TAL để mắt tới là khu công nghiệp tại một số địa phương miền Bắc, như Thái Bình, Hà Nam, Nam Định…

Năm 2004, tập đoàn này đã đến Việt Nam đầu tư Nhà máy Dệt may Việt Mỹ (TAV Limited) tại Khu công nghiệp Phúc Khánh (tỉnh Thái Bình), với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD.

Theo ông Roger Lee, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại với các đối tác lớn, nên doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ có cơ hội được hưởng thuế ưu đãi, nếu như sử dụng nguyên liệu xơ, sợi sản xuất trong nước hoặc các nước tham gia ký kết hiệp định.

Những năm qua, mặc dù ngành dệt may trong nước đã rất nỗ lực đầu tư các dự án nguyên phụ liệu, song tỷ lệ nội địa hoá vẫn còn thấp. Vì vậy, nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng làm tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa cho hàng may mặc Việt Nam.

Nguồn ndhmoney