Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Nhận định thị trường chứng khoán ngày 4/11/2013

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 4/11/2013

(NDH) Giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch ngày 4/11/2013.
.

CTCK Tích cực Trung lập Tiêu cực
KIS X
BVSC X
DAS X
BSC X
FPTS X

Xu hướng chính của VNI vẫn là xập xình trong biên độ hẹp

(Công ty cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam – KIS)

Nền tảng thị trường gần như không thay đổi trước tình trạng phân hóa giữa các cổ phiếu tiếp tục diễn ra. Thêm vào đó, giao dịch trầm lắng khiến nhiều cổ phiếu chỉ đi ngang hoặc dao động trong biên độ hẹp. Việc thiếu thông tin hỗ trợ từ vĩ mô, dòng tiền từ cả nhà đầu tư trong nước và khối ngoại đánh dấu sự suy giảm đáng kể, qua đó trở thành thách thức để thị trường có thể thiết lập xu hướng tăng điểm trở lại trong ngắn hạn. KIS cho rằng trong những phiên tới, xu hướng chính của VN-Index vẫn là xập xình trong biên độ hẹp từ 495-500. Tương tự như bản tin hôm qua, KIS vẫn khuyến nghị nhà đầu tư T+ thận trọng giao dịch và nâng cao tỷ trọng tiền mặt nắm giữ trước khi thị trường xác lập đường đi mới.

Thị trường đang trải qua giai đoạn tương đối bão hòa về mặt thông tin

(Công ty Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)

Hiện thị trường đang trải qua giai đoạn tương đối bão hòa về mặt thông tin khi mùa báo cáo KQKD quý 3 đã kết thúc. Đây là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu không biến động mạnh và thiếu sức lan tỏa trên diện rộng. Tuy nhiên, BCSC cho rằng bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn đang cho thấy những tín hiệu dần chuyển biến, chậm nhưng khá ổn định. Những kết quả ban đầu trong lộ trình giải quyết nợ xấu của VAMC, lạm phát và lãi suất được giữ ở mức thấp được xem là tiền đề cho một chu kỳ hồi phục mới của nền kinh tế mặc dù các yếu tố đầu ra thường chuyển biến chậm hơn. Đây cũng là cơ sở nền tảng cho xu hướng hồi phục của TTCK trong trung – dài hạn.

Mặc dù tín hiệu xác nhận cho khả năng tiếp diễn của xu hướng tăng ngắn hạn chưa xuất hiện nhưng cơ hội đi lên của thị trường hiện vẫn được đánh giá cao hơn tương đối do xu hướng tăng trung hạn đang được bảo lưu. Việc quản lý tỷ trọng ở thời điểm hiện tại sẽ quyết định mức độ hiệu quả của danh mục. BVSC cho rằng các nhà đầu tư có thể nắm giữ một tỷ trọng ở mức trung bình thấp bám theo xu hướng trung hạn. Phần tỷ trọng ngắn hạn còn lại có thể tích lũy từng phần vào những mã chưa tăng nhiều hoặc chờ mua ở các vùng hỗ trợ thấp hơn của VN-Index, nằm tại 490-492 hoặc 485-486 điểm.

Thị trường sẽ tiếp tục biến động trong biên độ hẹp

(Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á – DAS)

Chỉ số VN-Index khó có thể có những thay đổi đáng kể trong giai đoạn hiện nay khi thiếu sự đồng thuận của nhóm CP vốn hoá lớn. Chỉ số tiếp tục được “neo” một cách có chủ ý trong vùng giá hẹp bằng việc tăng giảm luân phiên của nhóm CP trụ cột thị trường. Thêm vào đó, ngưỡng 500 điểm cũng là ngưỡng khá nhạy cảm của nên việc chỉ số không thể bứt phá khỏi vùng này khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại HNX khi thanh khoản xuống mức rất thấp. Do đó, DAS duy trì quan điểm thị trường sẽ tiếp tục biến động trong biên độ hẹp ở phiên giao dịch đầu tuần sau.Và chiến thuật hợp lý trong lúc này là nên quan sát và chờ đợi những diễn biến mới. Có thể khi 2 chỉ số tiệm cận những vùng hỗ trợ thấp hơn với thanh khoản cải thiện sẽ mở ra một cơ hội rõ ràng hơn.

Thị trường vẫn sẽ tiếp tục đi ngang hoặc dao động nhẹ

(Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV – BSC)

Dù các thông tin hiện tại về vĩ mô của Việt Nam vẫn đang khá thuận lợi, tuy nhiên thanh khoản sụt giảm trong các phiên gần đây đồng thời 500 điểm vẫn là ngưỡng được các nhà đầu tư chốt lời khá mạnh đã khiến cho VN-Index chưa thể bứt phá được trong các phiên gần đây. Nếu như không có các thông tin hỗ trợ tích cực, thị trường vẫn sẽ tiếp tục đi ngang hoặc dao động nhẹ trong các phiên tiếp theo.

PMI tháng 10 của Việt Nam đạt 51,5 điểm, không thay đổi so với tháng 9. Số lượng đơn đặt hàng mới, xuất khẩu và việc làm đều gia tăng trong tháng này cho thấy tình hình sản xuất trong nước đang tiếp tục được cải thiện.

Không rõ xu hướng

(Công ty chứng khoán FPT – FPTS)

Trong giai đoạn hiện tại thị trường đang thể hiện diễn biến ảm đạm và không rõ xu hướng, cùng với sự thận trọng của nhà đầu tư, thanh khoản cũng sụt giảm đáng kể. Chính điều này đã khiến cho những nỗ lực hồi phục của thị trường quanh mốc 500 đều khá yếu ớt. Với sự vận động của nhóm Bluechips trong những phiên vừa qua thì khó có thể giúp thị trường bứt phá qua thời điểm khó khăn này trong ngắn hạn.

Nhiều khả năng xu thế giằng co sẽ còn kéo dài trong những phiên giao dịch tới, dòng tiền đang cho thấy sự thận trọng nhất định, vì vậy mà sự phân hóa giữa các cổ phiếu có thể sẽ mạnh hơn. Sự điều chỉnh và tích lũy hiện tại cũng là điều cần thiết để thị trường củng cố mặt bằng giá mới trước khi tiếp tục kỳ vọng đi lên mốc điểm cao hơn ở những tháng cuối năm. Theo đó, FPTS vẫn bảo lưu quan điểm duy trì sự thận trọng nhất định, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu hợp lý, tránh mua đuổi giá và việc tìm kiếm cơ hội đầu tư nên hướng đến những cổ phiếu cơ bản tốt, có giá đã điều chỉnh hoặc chưa tăng nhiều trong giai đọan vừa qua.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Bình Minh – NDH