Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tái cơ cấu kinh tế vĩ mô: Nhìn nhận mục tiêu chính

Tái cơ cấu kinh tế vĩ mô: Nhìn nhận mục tiêu chính

Với đề án tái cơ cấu khu vực DNNN, theo TS. Võ Trí Thành – Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nên công nhận độc quyền Nhà nước nhưng phải ngăn cản nó được chuyển đổi thành độc quyền DN.
.
Bên cạnh đó, cần tách biệt chức năng của Nhà nước với tư cách chủ sở hữu của các DNNN với tư cách quản lý và giám sát toàn bộ nền kinh tế.

Một nền kinh tế tăng trưởng sẽ là điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài và giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Nhưng đi đôi với tăng trưởng bao giờ cũng là nguy cơ làm bùng phát mức lạm phát cao. Đối với Việt Nam lạm phát đang là vấn đề đau đầu đối với các cơ quan quản lý cũng như các nhà điều hành chính sách vĩ mô. Triển vọng của kinh tế Việt Nam trong những năm tới ra sao?

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục suy thoái. Còn theo ý kiến của TS. Vũ Đình Ánh, không thể gọi nền kinh tế Việt Nam là suy thoái, vì chưa có tình trạng tăng trưởng âm, mà vẫn luôn ở mức tăng trưởng dương và mức tăng GDP hàng năm gần đây là 5-6% .

Ngay cả khi GDP tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam cũng ở mức 3%. Trong khi kết thúc quý II/2013, GDP của nước Đức tăng 0,7%, GDP của Pháp tăng 0,5%, cả khu vực Liên minh châu Âu (EU) tăng 0,3% và họ cho là đã thoát ra khỏi suy thoái kinh tế sau 6 quý liền suy giảm.

Theo ông Ánh, hiện có hai phương án cho các khả năng có thể xảy ra của nền kinh tế Việt Nam. Phương án thứ nhất, có thể nền kinh tế Việt Nam rơi vào trạng thái bắt đầu từ năm 2012 và sẽ kéo dài đến năm 2017, lặp lại giống chu kỳ năm 1999, nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp khi khủng hoảng khu vực xảy ra. Tình trạng “kẹt cứng tăng trưởng” nghĩa là khó có tăng trưởng cao hơn và gắn với nó sẽ là mức lạm phát tương đối thấp.

Phương án thứ hai, kinh tế Việt Nam sẽ lặp lại giai đoạn 2007- 2011, nghĩa là đi đôi với tăng trưởng không cao nhưng lại có lạm phát cực cao. Như vậy, có thể khẳng định về lâu dài lạm phát vẫn là vấn đề của Việt Nam.

Còn năm 2013, mặc dù trong tháng 8/2013 chỉ số giá cả (CPI) đã tăng 0,83%, nhưng lạm phát tháng 9/2013 sẽ không tăng mạnh tới 2,2% như tháng 9/2012 và lạm phát cả năm nay chỉ khoảng 7% và không còn là vấn đề lo ngại.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dựa trên đầu tư. Vấn đề đặt ra cho năm 2013 là làm thế nào để vẫn đạt mức tăng trưởng GDP trên 5% trong khi tổng đầu tư toàn xã hội rơi từ 40% còn 30% GDP?

Theo ông Ánh, chính sách tốt nhất của Việt Nam là nên kiềm hãm đầu tư không quá 30% GDP, nhưng mức tăng trưởng vẫn đạt 5% và cần đưa lên mức 6%. Như vậy, bản chất của tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam hay việc sử dụng vốn tín dụng ngân hàng sao cho hiệu quả hơn, chứ không phải là đẩy được vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên.

Có thể thấy, mặc dù, sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 18% -19% GDP, nhưng hiệu quả đầu tư của khu vực này lại kém nhất, vì tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội của khối DN này chiếm đến 20-25%.

Bên cạnh đó, việc sử dụng rất nhiều vốn trong khu vực khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) không hiệu quả, thể hiện là nợ rất cao. Năm 2012, tổng vốn Nhà nước cấp cho 1.302 DNNN là 700.000 tỷ đồng, thì vay nợ của khối này là 1,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, đòn bẩy tài chính cho khu vực này gấp 2 lần vốn mà khu vực này được cấp.

Nếu Việt Nam không giải được bài toán nợ vay của DNNN, thì không giải được bài toán nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Chưa kể gói 100.000 tỷ đồng cho dự án đầu tư công mà nguồn từ ngân sách không có phải chuyển qua vay nợ ngân hàng.

Với đề án tái cơ cấu khu vực DNNN, theo TS. Võ Trí Thành – Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nên công nhận độc quyền Nhà nước nhưng phải ngăn cản nó được chuyển đổi thành độc quyền DN. Bên cạnh đó, cần tách biệt chức năng của Nhà nước với tư cách chủ sở hữu của các DNNN với tư cách quản lý và giám sát toàn bộ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề tái cơ cấu kinh tế vĩ mô hiện nay cũng là giải quyết bài toán tồn kho, nó liên quan đến sự đổ vỡ của nhiều DN Việt Nam hiện nay. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản khiến hơn 100.000 DN “ra đi” giai đoạn 2011-2012 và đến đầu năm 2013 khoảng 10.000 DN chết, chủ yếu liên quan đến việc không tiêu thụ được sản phẩm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ từ mức 14% năm 2010 đã rơi xuống mức 4,7% vào năm 2011 (đã loại trừ yếu tố giá), tiếp tục ở mức thấp trong năm 2012 (6,2%) và đến 6 tháng đầu năm 2013 ở mức 4,9%. Mức này chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn 2007-2010.

Điều này cho thấy, có vấn đề trong tiêu dùng của Việt Nam, khi sức mua giảm rõ rệt. DN Việt vẫn đang đối mặt với tồn kho, cần phải tái cơ cấu lại hàng hóa, bán những thứ khách hàng cần chứ không phải bán những gì DN có.

NDHMONEY.VN