Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Thái Lan vạch chiến lược thu hút FDI hậu khủng hoảng

Thái Lan vạch chiến lược thu hút FDI hậu khủng hoảng

Thái Lan từng là một trong những nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu ở Đông Nam Á, chiếm khoảng 10% FDI của khu vực. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ cuối năm 2013 đã gây thiệt hại đáng kể cho môi trường đầu tư của nước này.

Thái Lan cần thay đổi chiến lược để lấy lại lòng tin từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, vốn FDI mới chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan trong thời gian gần đây. Trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1996-1997, Thái Lan chỉ thu hút được nguồn vốn FDI tương đương 11% GDP của nước này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, con số này đã tăng lên 48%. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan cũng tăng mạnh, từ mức tương đương 1% GDP năm 1995 lên 15% vào năm 2013.

Theo Ủy ban Kinh tế và Phát triển xã hội quốc gia Thái Lan, lượng vốn FDI thấp là nguyên nhân chính khiến GDP nước này giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2013 cũng như nửa đầu năm 2014, thời điểm cuộc khủng hoảng chính trị căng thẳng nhất. Các số liệu của Ủy ban Đầu tư (BOI) cho thấy nguồn FDI được phê duyệt trong 6 tháng đầu năm nay giảm tới 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, còn khoảng 7,1 tỷ USD. FDI từ Nhật Bản – nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thái Lan – cũng giảm 25% còn 3,1 tỷ USD.

Chính quyền Thái Lan cũng nhận thức rất rõ về nguy cơ trì trệ kinh tế của nước này. Kể từ sau khi cuộc đảo chính hồi cuối tháng 5, BOI cũng đã phê duyệt nhiều dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD, nhưng rất ít dự án trong số này được khởi động và chắc chắn cần phải có thêm thời gian trước khi những dự án này mang lại tác động đối với nền kinh tế.

Giữa tháng 8 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã công bố một chiến lược đầu tư mới cho giai đoạn 2015-2021 nhằm thu hút thêm các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao cũng như các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái. Chính phủ nước này cũng đang nỗ lực tăng ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, hiện chỉ chiếm khoảng 0,4% GDP (mức trung bình trên thế giới là 2%). BOI cho biết nước này sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và phân phối hàng nông sản, khai khoáng, công nghiệp nhẹ, chế tạo máy và thiết bị vận tải, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, sản xuất nhựa và giấy, dịch vụ và cơ sở hạ tầng.

Các chính sách của Chính phủ quân sự có thể tiếp tục duy trì những ưu thế này để hỗ trợ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết quả sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình cải cách, các ưu đãi đầu tư cũng như sự phục hồi của nhu cầu trong nước và nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

P. Thùy