Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở nên hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản và Thái Lan, báo The Nation nhận định.
.

Đầu năm nay tập đoàn bán lẻ Berli Jucker đã mua lại 65% cổ phần trong công ty Thái An – đơn vị sở hữu 41 cửa hàng tiện ích “B’s mart” tại TPHCM. Tháng này, Berli Jucker tiếp tục mở 3 đại lý “B’s mart” và dự định quản lý khoảng 61 đại lý kiểu này tại TPHCM đến cuối năm nay. Berli Jucker dự kiến mở thêm 100 “B’s mart” vào năm tới và có khoảng 300 đại lý tại Hà Nội và các thành phố lớn khác của Việt Nam vào năm 2015.

Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon mới đây cũng mở trụ sở tại TPHCM và dự định triển khai nhiều đại lý bán lẻ tại Việt Nam, trong đó có các cửa hàng tiện ích, trung tâm mua sắm và siêu thị. Tháng 12 năm ngoái, công ty này đã mở cửa hàng tiện ích đầu tiên tại TPHCM với tên gọi Mini Stop. Trung tâm mua sắm đầu tiên của tập đoàn đang được thi công tại Hà Nội và dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm tới.

Tập đoàn phát triển trung tâm mua sắm hàng đầu của Thái Lan (CPN) cũng đang đàm phán với một đối tác tiềm năng để phát triển trung tâm mua sắm đầu tiên tại Việt Nam.

Phidsanu Pongwatana, phó chủ tịch tập đoàn bán lẻ Berli Jucker nhận xét, nếu so sánh với Thái Lan – thị trường cạnh tranh giá cả gay gắt, Việt Nam được coi là thị trường tiềm năng cho tăng trưởng bán lẻ.

“Chúng tôi chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên để triển khai hoạt động bán lẻ theo mô hình hiện đại do Việt Nam có mật độ dân số trẻ đông. Việt Nam là thị trường lớn với dân số khoảng 90 triệu người, riêng TPHCM có 5,9 triệu dân, Hà Nội 2,6 triệu dân. Đa số là tầng lớp tiêu dùng trẻ với độ tuổi trung bình 28,7”, ông Phidsanu nói.

Ông cho biết thêm, hiện có khoảng 250 cửa hàng tiện ích tại Việt Nam của các nhiều hãng bán lẻ khác nhau, trong đó có Shop & Go (77 cửa hàng), Circle K (50 cửa hàng), B’s mart (44 cửa hàng), và Mini Stop (17 cửa hàng). Các hãng kinh doanh bán lẻ tại thị trường Đông Nam Á chủ yếu vẫn theo lối truyền thống. Trong khi đó, các hãng kinh doanh theo mô hình hiện đại cũng nhanh chóng mở rộng thị trường. Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển cho các hãng bán lẻ hiện đại. Hiện Việt Nam có khoảng 800 cửa hàng bán lẻ kinh doanh theo hướng hiện đại.

Tại châu Á Thái Bình Dương, số cửa hàng tiện ích tăng trưởng khoảng 15%/năm, tiếp đến là đại siêu thị tăng khoảng 12%, siêu thị 11% và các cửa hàng nhỏ khoảng 9%.

Tại Việt Nam, tăng trưởng doanh số hàng tiêu dùng hàng năm khoảng 23%, trong đó đặc biệt phải kể đến các hàng tiêu dùng như bia, rượu, tiếp đến là các sản phẩm sữa, thực phẩm khác.