Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tìm địa chỉ cho “gói kích thích”

Tìm địa chỉ cho “gói kích thích”

Với phương án phát hành bổ sung và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014 – 2016 lên tới 170 nghìn tỉ đồng, liệu đây có phải là “gói kích thích” kinh tế cần thiết tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế và DN.
.

 

Để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tê – xã hội, riêng năm 2014, Chính phủ dự kiến phát hành trái phiếu chính phủ và nguồn vốn cân đối đầu tư phát triển từ nguồn trái phiếu Chính phủ khoảng 100 nghìn tỉ đồng, chiếm 8,1% tổng nguốn vốn đầu tư toàn xã hội.

Động lực thúc đẩy kinh tế?

Một câu hỏi được đặt ra là việc phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để tăng đầu tư phát triển có đủ sức để “kích thích” nền kinh tế? Và phải chăng do áp lực về “kế hoạch” phát triển kinh tế 5 năm (2011-2015)? Bởi ốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5 – 7%). Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt.

Theo TS Cao Sĩ Kiêm: Chúng ta cần có một gói kích thích kinh tế tiếp theo. Trong bối cảnh ngân sách đang có vấn đề và sau khi tăng thu, tận thu, kiểm soát chặt chẽ chi nếu chưa đảm bảo cho yêu cầu đầu tư xây dựng cơ bản, tháo gỡ khó khăn cho DN thì chúng ta phải phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây được coi là giải pháp cuối cùng mang tính ngắn hạn nhưng sẽ góp phần kích sản xuất, kích sức mua, giải quyết cầu tốt hơn. Việc phát hành trái phiếu với những “địa chỉ” rõ ràng để phát huy hiệu quả sẽ góp phần giữ được tốc độ tăng trưởng. Tất nhiên, nếu sử dụng không tốt, không đúng địa chỉ thì khó khăn sẽ tăng thêm lên, gây áp lực lạm phát.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: Trong điều kiện nền kinh tế bị nghẽn về tín dụng, muốn tăng tổng cầu để tháo gỡ khó khăn chung, tạo sức lan tỏa cho DN thì trước mắt nên tăng đầu tư công. Nhưng trên thực tế, trong quá trình tái đầu tư công thì một số công trình bức xúc thấy rõ không làm không được nhưng không có nguồn. Do vậy phát hành trái phiếu Chính phủ là một giải pháp cần thiết.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Chính phủ cần có biện pháp kích thích tổng cầu tăng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, thị trường chứng khoán và bất động sản trầm lắng thì có một kênh duy nhất có tính “dẫn dắt” là tăng chi tiêu Chính phủ, đây sẽ là kênh tạo ra hiệu ứng nhanh nhất trong lúc này. Và thực chất, việc tăng chi tiêu này sẽ góp phần thay thế cho lượng vốn tín dụng không bơm ra được.

Thế nhưng, việc tăng đầu tư công sẽ dẫn tới hệ quả tất yếu là bội chi ngân sách tăng mà theo dự kiến của Chính phủ trong năm 2014 sẽ là 5,3%. Vậy làm thế nào để kiểm soát và phát huy được hiệu quả, tránh những tác động xấu có thể xảy ra như tăng lạm phát, nợ công…?

Phải có “địa chỉ”

Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có gói kích thích kinh tế. Trước đó gói kích thích tương đương gần 8 tỉ USD có những điều được có những điều chưa được mà nguyên nhân là do cách quản lý và điều hành của chúng ta chưa tốt như: địa chỉ không đúng, hiệu quả không cao làm tản mát nguồn lực… Vì vậy, cần nghiên cứu nghiêm túc để sửa. Trong báo cáo của Chính phủ thì điều này chưa được thể hiện rõ và đó cũng là vấn đề các Đại biểu Quốc hội cần tham gia thảo luận để sau này Nghị quyết của Quốc hội phải tỏ rõ. Tôi cũng sẽ đề cập vấn đề này tại phiên thảo luận tới ” – ông Kiêm nhận định.

Để phát huy hiệu quả đầu tư công, theo ông Trần Du Lịch: Vấn đề đầu tư công muốn thay đổi căn bản phải thay đổi Luật ngân sách, phần nào của trung ương, phần nào của địa phương, phải minh bạch. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò kiểm soát của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân địa phương. Đồng thời phải có cơ chế giám sát đánh giá đặc biệt nguyên nhân tại sao hiện nay nợ đọng cơ bản. Ông Lịch cho rằng, cần phân biệt 3 loại để xử lý; loại thứ nhất là những dự án nằm trong kế hoạch có ngân sách, có bố trí vốn nhưng do thiếu nguồn thì phải ưu tiên; thứ hai là các dự án của kế hoạch năm sau, những ngành hay địa phương lập trước thì xử lý bằng cách trừ nguồn vốn của những năm sau; thứ ba là tùy tiện thì phải xử lý trách nhiệm. Khả năng trả nợ hằng năm đáo hạn là điều Quốc hội cần xem xét kỹ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ: Để 100.000 tỉ trái phiếu phát huy hiệu quả thì phải hoàn thiện thể chế, quy định cơ chế giám sát, đánh giá các dự án đầu tư công. Nhiệm vụ của các đại biểu quốc hội là phải tham gia vào quá trình đó. Việc phát hành tiền rồi mới tìm địa chỉ là có thể coi là “tiền trảm hậu tấu”. Luật đầu tư công đang bàn nhưng chúng ta không thể chờ đợi được. Với số lượng tiền lớn như vậy, Chính phủ sẽ phải tập trung vào một số công trình trọng điểm quốc gia, liên quan đến giao thông, y tế, giáo dục, thủy lợi, chống biến đổi khí hậu. Chính phủ phải trình Quốc hội danh sách các dự án đó để có địa chỉ cụ thể. Bên cạnh đó cần phải tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những người triển khai các dự án đầu tư công trong thời gian tới để tránh đổ lỗi cho tập thể. “Nới trần bội chi là cần nhưng chưa đủ. Vấn đề là sử dụng vốn để hiệu quả, chống thất thoát lãng phí. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội và các tổ chức chính trị xã hội” – Đại biểu Ngân nhấn mạnh.

Quan trọng hơn theo ông Ngân: Trong năm 2013, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1 triệu tỉ thì vốn khu vực dân doanh là 400 nghìn tỉ và năm 2014 phải là 500 nghìn tỉ, vậy thì khu vực kinh tế nhà nước tăng chưa đủ làm cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững mà phải tạo điều kiện để khu vực dân doanh ổn định và mở rộng đầu tư. Mà để thúc đẩy đầu tư dân doanh thì điều quan trọng nhất là niềm tin ở đảm bảo sự công bằng, đảm bảo nền kinh tế ổn định vĩ mô, lãi suất ổn định hợp lý. Vì vậy, Chính phủ phải ưu tiên và cam kết ổn định vĩ mô, giữ được lạm phát.

Đồng tình với quan điểm này, ông Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh: Các giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong thời gian qua khá đầy đủ nhưng cần phải bổ sung thêm nội dung tái cơ cấu các DN dân doanh, lâu nay chúng ta chỉ nói tái cơ cấu DN nhà nước. Cần có nguồn lực, chính sách hỗ trợ lực lượng này vì nó đóng góp tới 40% vốn đầu tư toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh:
75% dự án đầu tư công dở dang có thêm vốn

Việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư giai đoạn 2014-2016 là rất cần thiết, nhằm bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế và thúc đẩy đầu tư của các thành phần kinh tế khác.

Về tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ, trên cơ sở rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư của các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nhu cầu cấp bách theo đề nghị của các bộ ngành và địa phương, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170 nghìn tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016, không bao gồm 75 nghìn tỉ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015.

Với tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung 170 nghìn tỉ đồng, Chính phủ đề xuất bố trí 61,68 nghìn tỉ đồng đầu tư dự án Quốc Lộ 1A và Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên). Tiếp theo, sẽ bổ sung vốn cho các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2011-2015 để thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng 73,32 nghìn tỉ đồng. 20 nghìn tỉ đồng khác sẽ được sử dụng làm vốn đối ứng các dự án ODA, là phần vốn đối ứng cho các dự án do các bộ, ngành cơ quan Trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương nghèo, khó khăn theo Quyết định 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 15 nghìn tỉ đồng vốn khác sẽ được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung chủ yếu cho các xã nghèo thuộc các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác.

Nếu kế hoạch này được thông qua, dự kiến có thêm khoảng 75% dự án giao thông, thủy lợi, các bệnh viện đang đầu tư dở dang trong kế hoạch trái phiếu Chính phủ 2011 – 2015 được bổ sung đủ vốn để hoàn thành; phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư.

Ông Phùng Quốc Hiển -Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội:
Chỉ nên phát hành bổ sung vốn TPCP ở mức 120.000 tỉ đồng.

Đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết phải phát hành bổ sung vốn TPCP giai đoạn 2014 – 2016.

Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cho rằng, mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn được Quốc hội cho phép nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn. Bên cạnh đó, có ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị, để bảo đảm an toàn nợ công, phù hợp với khả năng huy động và khả năng trả nợ của NSNN và không để ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác, chỉ nên phát hành bổ sung vốn TPCP ở mức 120.000 tỉ đồng.

Ủy ban TCNS lo ngại việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác như Cty bảo hiểm, chứng khoán chiếm 12%, có thể dẫn đến việc dòng tiền chỉ tập trung vào TPCP mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất.

Từ thực tế trên, Ủy ban TCNS đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý như đánh giá khả năng trả nợ đến năm 2015 – 2016; tính toán bố trí đủ nguồn để trả nợ các khoản đến hạn; loại bỏ và kiên quyết không bố trí vốn bổ sung cho 203 dự án thuộc diện giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư mà Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất.

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp