Go to Top
Trang chủ > Tin tức > USD giảm so với yên vì giá dầu

USD giảm so với yên vì giá dầu

Tuy nhiên, USD lại lên cao nhất 1 tuần so với euro và franc Thụy Sỹ khi giới đầu tư đặt cược đồng bạc xanh tăng nhờ viễn cảnh lãi suất.

Yên là ngoại lệ trong số các đồng tiền chủ chốt khi tăng so với USD sau 2 ngày giảm liên tục. Đồng nội tệ Nhật Bản được hưởng lợi với tư cách tài sản trú ẩn an toàn khi giá dầu đảo chiều giảm về cuối phiên 16/2.

Chốt phiên, USD giảm 0,6% so với yên xuống 113,885 JPY/USD. Đồng nội tệ Nhật Bản đang là “kẻ chiến thắng” trong năm nay khi bất ổn trên thị trường toàn cầu làm tăng nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn. Tuần trước, yên tăng mạnh nhất so với USD kể từ tháng 10/2014 lên 110,985 JPY/USD. Từ đầu năm đến nay, yên đã tăng 4,7% so với USD.

Tuy giảm so với yên, song USD vẫn tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác. Kết thúc phiên giao dịch, euro giảm 0,1% so với USD xuống 1,1143 USD/EUR. Trong khi đó, franc Thụy Sỹ giảm 0,2% xuống 0,9881 franc/USD, bảng Anh giảm 1% so với đồng bạc xanh và đôla New Zealand mất 1,2%.

Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, phiên 16/2 tăng 1% lên 96,875 điểm. Chỉ số này tháng 12/2015 lên cao nhất nhất kể từ năm 2003 ở 100,51 điểm.

USD tăng trở lại sau khi giảm trong vài tuần qua. Đợt biến động vừa qua chủ yếu do các cuộc tranh luận về mức độ tăng thêm của đồng bạc xanh sau khi đồng tiền này tăng mạnh kể từ mùa hè năm 2014.

Trụ đỡ chính của USD vẫn là sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa Mỹ và các nền kinh tế chủ chốt khác. Fed hiện là ngân hàng trung ương duy nhất nâng lãi suất.

Tháng này, USD giảm giá khi nhiều nhà đầu tư tự hỏi liệu Fed có thể trì hoãn nâng lãi suất trong năm nay hay không trước những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Mỹ.

Tuy vậy, USD đã lấy lại đà tăng sau số liệu kinh tế tích cực, kể cả doanh số bán lẻ tốt hơn dự đoán cũng như việc Chủ tịch Fed Janet Yellen và các quan chức khác tiếp tục phát tín hiệu sẽ giữ nguyên lộ trình nâng lãi suất dù với tốc độ cẩn trọng hơn.

Trong khi đó, các quan chức Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) lại phát tín hiệu có thể tăng cường kích thích và nới lỏng chính sách tiền tệ. Chủ tịch ECB Mario Draghi hôm thứ Hai 15/2 nhắc lại cam kết sẽ hành động nếu cần thiết. Giới đầu tư dự đoán ECB sẽ hành động trong phiên họp chính sách tháng 3 tới.

Nhật Trường

Nguồn WSJ,Reuters