Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Ưu đãi đặc biệt cho nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông

Ưu đãi đặc biệt cho nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông

Chính phủ tuần rồi phê duyệt cơ chế ưu đãi cho dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, trong đó có ưu đãi đặc biệt về giá điện cho dự án này trong tình hình nguồn điện trong nước vẫn còn căng kéo. Trong khi đó, chính quyền Đắk Nông cũng chuẩn bị một số công việc hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án này.

Dự kiến nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông công suất 450.000 tấn nhôm thành phẩm mỗi năm có tổng vốn đầu tư trên 500 triệu đô la Mỹ sẽ được chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân khởi công xây dựng vào tháng 9 năm nay.

Theo ông Phạm Trường Độ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, do suất tiêu hao ngành điện phân nhôm rất lớn, khoảng 14.000 kWh điện cho mỗi tấn nhôm điện phân nên tuần rồi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một số cơ chế ưu đãi đối với dự án điện phân nhôm này, trong đó có cơ chế ưu đãi về giá điện, đất đai, đầu tư hạ tầng …

Theo đó, cho phép dự án này được áp dụng giá điện 1.052 đồng/kWh (chưa VAT, tương đương 5 cent/kWh) trong 10 năm đầu kể từ thời điểm nhà máy đưa vào hoạt động. Sau giai đoạn trên, giá điện sẽ áp dụng theo nguyên tắc giá thị trường có tính đến đặc thù ngành điện phân nhôm, đảm bảo dự án thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm đầu tư đồng bộ lưới điện mạch vòng 220 kV đến trạm biến áp, ký hợp đồng cung cấp điện ổn định cho dự án.

Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đanig chỉ đạo các sở ngành liên quan nhanh chóng triển khai các bước giải phóng mặt bằng, điện, đường giao thông … để chủ đầu tư triển khai thuận lợi. Dự kiến khi đi vào hoạt động nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông sẽ góp phần hạn chế vận chuyển alumin đi xa, hạn chế xuất khẩu alumin thô đi các nước trong đó có Trung Quốc, ông Độ cho hay.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều nay liên quan đến tiến độ dự án này, ông Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, ngoài việc chuẩn bị mặt bằng khoảng 120 héc ta cho chủ đầu tư khởi công dự án này trong tháng 9 tới, ngay đầu tuần tới UBND tỉnh sẽ làm việc với Tổng Công ty Điện lực Miền Trung về việc thi công đường dây điện cung cấp điện để triển khai dự án này.

Theo phân tích của chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn hiện là giám đốc Ban Quản lý các dự án tham Đồng bằng sông Hồng, việc xây dựng nhà máy điện phân nhôm sẽ có lợi khi giảm chi phí vận tải alumin từ các dự bauxite xuống cảng biển để xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng vấn đề nguồn điện cho dự án là điều đáng lưu tâm. Thường các nước làm điện phân nhôm gắn với các dự án thủy điện lớn có giá thành điện thấp mới chịu được. Giá điện cho điện phân nhôm ở các nước khoảng 2,7 cent/kWh và chỉ có thủy điện mới đáp ứng mang lại hiệu quả cho một dự án điện phân nhôm.

“Vấn đề là lấy điện ở đâu ra, nếu ưu tiên bán điện rẻ cho dự án này cũng không công bằng. Hiện giờ thì nguồn thủy điện giá rẻ ở Đắk Nông chắc không còn, chỉ còn cách lấy điện lưới quốc gia cung cấp cho dự án điện phân nhôm này, vấn đề là giá điện ưu tiên thì chắc lại tăng thêm lỗ cho EVN thôi. Vậy thì hiệu quả kinh tế dự án tính toán ra sao, trong khi Việt Nam vẫn đang thiếu điện và còn rất nhiều lĩnh vực cần ưu tiên hơn”, ông Sơn trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều nay (11-6).

Ngoài ra, cũng theo ông Sơn thì trong chuỗi sản phẩm từ bauxite ra đến nhôm thì điện phân nhôm chỉ ra đến nhôm kim loại. Muốn có hiệu quả về ứng dụng thì phải là nhôm hợp kim (tức nhôm kim loại luyện pha với đồng, sắt …) mới có giá trị sử dụng cao.

“Còn một vấn đề cần đặt ra hiện nay chính là nhu cầu nhôm thành phẩm trong nước hiện nay đến mức nào? Nếu theo đánh giá của Bộ Công Thương là 200.000 – 300.000 tấn mỗi năm thì chỉ cần vài ba chuyến tàu là nhập đủ. Nếu phát triển ra ngành công nghiệp đúc nhôm như thế thì liệu có cạnh tranh với thế giới hay không?” ông Sơn đặt vấn đề.

“Một khi chúng ta tiêu thụ một thứ đang thiếu (điện) để dùng sản xuất ra một thứ để xuất khẩu (nhôm) thì có khác nào xuất khẩu năng lượng,” ông Sơn đặt câu hỏi.

Dự kiến nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông sẽ được xây dựng trong hai năm trên diện tích 120 héc ta tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông, trong đó có khoảng 35 héc ta nằm trong khu công nghiệp Nhân Cơ nơi dự án alumin Nhân Cơ đang được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam triển khai chuẩn bị đi vào hoạt động. Toàn bộ nguyên liệu alumin cung cấp cho nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông được lấy từ nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ.

Nguồn: Báo thesaigontime