Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Đầu tư hơn 6.300 tỷ cải tạo luồng Cái Mép

Đầu tư hơn 6.300 tỷ cải tạo luồng Cái Mép

Cục Hàng hải Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT đầu tư dự án nghiên cứu tổng thể tuyến luồng tàu biển Cái Mép – Thị Vải bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác

Nếu được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương, thời gian thực hiện Dự án sẽ từ trước năm 2018 và những giai đoạn sau vào các năm 2020, 2025, 2030. Ảnh- Internet
Nếu được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương, thời gian thực hiện dự án sẽ từ trước năm 2018 và những giai đoạn sau vào các năm 2020, 2025, 2030. Ảnh- Internet

Dự án có mục tiêu  nghiên cứu tổng thể, toàn diện tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải (từ phao số 0 đên khu cảng Gò Dầu) làm cơ sở phát triển hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải theo quy hoạch và đề xuất các giải pháp khai thác an toàn, gắn liền với nâng cao hiệu quả quả khai thác cảng. Dự kiến, nếu được phê duyệt, các cơ quan chức năng sẽ nâng cấp, cải tạo tuyến luồng để tiếp nhận tàu trọng tải trên 100.000 DWT ra vào thường xuyên các bến cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải; tàu trọng tải 60.000 DWT ra vào các bến cảng khu vực Mỹ Xuân – Phước An và tàu trọng tải 30.000 DWT ra vào các bến cảng khu vực Gò Dầu.

Theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam, đoạn luồng từ phao số 0 đến cảng CMIT sẽ được thực hiện trước năm 2018 để luồng đạt chiều rộng 350 m, cao độ đáy nạo vét đạt -15,5 m, có khả năng tiếp nhận cỡ tàu lớn từ 80.000 DWT – 160.000 DWT đầy tải ra vào 24/24h trên tuyến biển xa.

Tổng kinh phí để cải tạo luồng hàng hải quan trọng nhất để dẫn vào nhóm cảng biển số 5 này ước tính lên tới 6.378 tỷ đồng thuộc địa giới các huyện Tân Thành (tỉnh Bà rịa – Vũng Tàu) ; Long Thành, Phước An (tỉnh Đồng Nai) và Cần Giờ (Tp.HCM).

Trước đây, trong Dự án nghiên cứu phát triển cảng phía Nam Việt Nam của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải đoạn từ phao số 0 vào đến bến cảng tổng hợp Thị Vải (vốn ODA) đã được nghiên cứu nâng cấp. Trong giai đoạn lập thiết kế chi tiết cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải, tuyến luồng được nghiên cứu thiết kế cho cỡ tàu lớn nhất là 75 nghìn DWT đầy tải và tàu 80 nghìn DWT giảm tải. Lượng hàng thông qua luồng được dự báo cho các giai đoạn 2010-2020 là 16,8 triệu tấn/năm và 26,8 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, sản lượng hàng hóa qua cảng và quá cảnh năm 2010 của nhóm cảng biển số 5 (bao gồm tất cả các cảng của miền Đông Nam bộ) đã đạt 124,4 triệu tấn, cao hơn nhiều lần dự báo của JICA năm 2010 và vượt cả số dự báo năm 2020. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như các đoạn cong có bán kính cong khá nhỏ trên luồng hoặc tuyến bến của Tân Cảng Cái Mép được xây dựng lấn ra phía luồng cũng tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với an toàn hàng hải trên luồng.

“Việc sớm thực hiện nghiên cứu tổng thể để xem xét các biện pháp an toàn hàng hải, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của tuyến luồng là cấp thiết. Theo kế hoạch, nếu được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương, thời gian thực hiện dự án sẽ từ trước năm 2018 và những giai đoạn sau vào các năm 2020, 2025, 2030”, ông Đỗ Hồng Thái, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá.

Anh Minh