Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kỳ vọng dự án 22 tỷ USD

Kỳ vọng dự án 22 tỷ USD

Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (dự án Victory) với tổng mức đầu tư 22 tỷ USD vừa được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào quy hoạch ngành chế biến lọc hóa dầu của VN đến năm 2025 với hàng loạt những cơ chế ưu đãi đặc biệt. Đồng thời, giao cho tỉnh Bình Định tiến hành cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư. DĐDN đã có cuộc phóng vấn ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về các vấn đề xung quanh dự án này.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, nếu dự án này đi vào hoạt động, sẽ đóng góp từ 3-4% GDP cả nước và đóng góp khoảng 30-40% GDP của Bình Định, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp; chưa kể sẽ kéo theo sự phát triển của hàng loạt ngành công nghiệp phụ trợ.

– Trong văn bản chấp thuận của Thủ tướng có nêu rõ tiến độ dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, với một dự án lớn như Victory,  tiến độ đề ra liệu có chắc chắn đảm bảo, thưa ông?

Với vấn đề thu xếp vốn, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Saudi Aramco là hai tập đoàn hàng đầu của thế giới, hoàn toàn có đủ năng lực tài chính cho dự án. Về nguồn cung cấp dầu thô, ở dự án này, Saudi Aramco sẽ vừa là nhà đầu tư chiến lược, đồng thời là nhà cung cấp dầu thô chính cho dự án. Trong thời gian chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị cho dự án hai nhà đầu tư này thực hiệm nghiêm túc các cam kết: chẳng hạn như lộ trình khi nào nộp báo cáo tiền khả thi, khi nào nộp báo cáo khả thi thì người ta làm rất tốt. Ngay cả Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đánh giá rất cao hai nhà đầu tư này.

Do đó, có thể khẳng định, đây là hai nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực này và họ cũng cam kết thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã đề ra.

– Tỉnh Bình Định được giao tiến hành cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư dự án này, việc này đã được tiến hành đến đâu, thưa ông?

Vì đây là dự án rất lớn nên việc cấp giấy phép phải rất thận trọng. Hiện tỉnh Bình Định đang xin ý kiến của các Bộ, Ngành trong việc xác định giá trị đầu tư hạ tầng của các khu công nghiệp, khu phi thuế quan trong mặt bằng dự án để chuyển giao đảm bảo triển khai đúng tiến độ; Góp ý kiến cho việc thiết kế tổng thể, đánh giá tác động môi trường, một số vấn đề pháp lý về cấp phép đầu tư nước ngoài; chính sách ưu đãi thuế và cho thuê đất đối với dự án.

Bên cạnh việc tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan đến cơ sở pháp lý trong việc bàn giao mặt bằng cho PTT, UBND tỉnh Bình Định cũng đã kiến nghị Chính phủ việc UBND tỉnh trực tiếp cấp giấy phép thay vì Ban Quản lý Khu kinh tê để xứng với tầm ảnh hưởng quan trọng của dự án, còn Ban quản lý khu kinh tế sẽ thẩm tra hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh ký cấp Giấy Chứng nhận đầu tư. Đồng thời theo dõi, xem xét đề xuất UBND tỉnh xử lý các vấn đề điều chỉnh, bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư cho phù hợp với thực tế phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Khi có ý kiến của các Bộ ngành, UBND tỉnh Bình Định sẽ làm việc với PTT dự kiến diễn ra trong tháng 1/2015 để hoàn thành các nội dung về cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án này. Dự kiến trong tháng 2/2015, tỉnh sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Victory.

– Được biết, hạ tầng đang là vướng mắc lớn nhất của tỉnh Bình Định đối với dự án này, thưa ông?

Dự kiến trong tháng 2/2015, tỉnh Bình Định sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Victory.

Đúng là cái vướng lớn nhất của Bình Định là về hạ tầng, kể cả cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường,… lẫn hạ tầng xã hội như y tế giáo dục nếu đón một dự án lớn với 30.000 lao động trong đó có 5.000 chuyên gia. Do đó, việc đầu tư hạ tầng là yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay.

Để dự án triển khai thuận lợi, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan xem xét bố trí vốn hỗ trợ tỉnh triển khai các công trình hạ tầng ngoài khu kinh tế. Trong đó đáng chú ý như dự án đường nối sân bay Phù Cát với Khu kinh tế Nhơn Hội (hơn 1000 tỷ đồng), cầu Thị Nại 2 (hơn 1000 tỷ đồng); kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư (500 tỷ đồng); đường chuyên dụng phía Tây khu kinh tế…

– Thưa ông, Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp liên quan, vậy đã có dự án nào “đón đầu” ?

Bên cạnh quy hoạch TP Quy Nhơn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 trong điều kiện có Tổ hợp lọc hóa dầu, chúng tôi đã tiến hành đầu tư, xây dựng một số dự án tại các huyện lân cận, đặc biệt là tại các KCN theo hướng đi tắt, đón đầu vì dự án này sẽ kéo theo công nghiệp phụ trợ rất lớn.

Cụ thể, Cty Becamex IDC và Cty liên doanh TNHH Khu công nghiệp VN-Singapore (VSIP) tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư khả thi Khu phức hợp công nghiệp – thương mại – dịch vụ và đô thị tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước và khu vực dọc tuyến đường Long Vân – Long Mỹ, thành phố Quy Nhơn; Tập đoàn Amata (Thái Lan) cũng muốn đầu tư xây dựng một dự án quy mô lớn ở Bình Định; Tập đoàn Giáo dục Quốc tế KinderWorld (Singapore) cũng vừa đề xuất với UBND tỉnh Bình Định về việc đầu tư hai dự án xây dựng Trường Quốc tế Việt Nam – Singapore và Trường Giáo dục kỹ năng sống Outward Bound VN tại TP Quy Nhơn.

Với những động thái tích cực này, chúng tôi hy vọng sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của Bình Định về kinh tế – xã hội.

– Xin cảm ơn ông !

Dự án tổ hợp lọc hóa dầu Victory được thực hiện với quy mô diện tích khoảng 1.400 ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định.* Dự án có công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm). Sau năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm.

* Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 22 tỷ USD. Khi mở rộng công suất, tổng mức đầu tư có thể đạt mức 30 tỷ USD.

* Dự kiến, dự án sẽ nhập nguyên liệu dầu thô từ Trung Đông, châu Phi, Nam Trung Mỹ, và “đầu ra” là 11 sản phẩm lọc dầu và 10 sản phẩm hóa dầu. Mục tiêu mà PTT hướng tới là tiêu thụ trong nước 50%, còn 50% còn lại xuất khẩu.

Không thể lợi bằng công nghệ cao

GS TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài:

Tính chung ngành công nghiệp lọc hóa dầu của VN có công suất khoảng 45-50 triệu tấn/năm. Nếu tính thêm dự án Nhơn Hội, công suất dự kiến lên tới gần trên 65 triệu tấn/năm.Việc đi lên công nghiệp hóa đến năm 2020 theo hướng này là điều tôi rất phản đối. Công nghiệp sắt thép, hóa dầu là những ngành công nghiệp cổ điển. Các nước đi trước đã phải chịu rất nhiều hậu quả do phát triển công nghiệp cổ điển: ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính… Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta có quyền lựa chọn phát triển ngành nghề nào thích ứng với tương lai phát triển của thế giới như công nghệ vi sinh, công nghệ vũ trụ, công nghệ đại dương…

Tôi không phản đối phát triển công nghiệp khai khoáng, lọc hóa dầu nhưng chỉ nên phát triển ở mức độ vừa phải.

Hiện nay, công suất của các nhà máy hóa dầu đã là 45-50 triệu tấn, tuy nhiên lượng khai thác dầu tối đa của chúng ta chỉ đạt 15 triệu tấn/năm. Như vậy để vận hành tất cả, chúng ta phải nhập tới 35 triệu tấn dầu vào để sản xuất ra dầu tinh phục vụ cho xuất khẩu. Tôi xin lưu ý rằng, dầu thô của chúng ta rất nhiều tạp chất nên chỉ có thể được 65%, còn 35% phải nhập dầu từ Trung Đông để phối trộn mới sử dụng được. Mọi thứ rất khó khăn chứ không phải có quy mô lớn là tốt. Tôi lấy ví dụ thế này cho dễ hiểu, dự án lọc dầu Nhơn Hội khi vào VN chiếm dụng hàng nghìn ha đất, trong khí một dự án của Samsung với vốn đầu tư 2 tỷ USD chỉ chiếm 2 ha đất thôi nhưng giải quyết tới 43.500 lao động cho VN và đóng góp hàng năm 45.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD) cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, lọc dầu Nhơn Hội chỉ giải quyết hơn 30.000 lao động và đóng góp hơn 1-1,5 tỷ USD thôi. So sánh về tất cả các chỉ số công nghiệp lọc hóa dầu không thể so sánh với công nghệ cao được.

Thế nhưng, dù nói thế nào thì nay Chính phủ cũng đã vừa đồng ý bổ sung dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) vào quy hoạch phát triển ngành, thuộc danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư. Vậy vấn đề đặt ra là, đầu tư làm sao hiệu quả nhất cho Nhà máy Nhơn Hội nói riêng và ngành lọc dầu nói chung. Cụ thể, phải hoạch định chiến lược về sản  phẩm xăng dầu và hóa dầu trong quy mô toàn quốc để sản lượng, sản phẩm lọc hóa dầu không “giẫm chân” nhau và tránh tình trạng dư thừa. Một khâu quan trọng nữa là nguồn dầu thô đầu vào cho các nhà máy hoạt động, tránh tình trạng chúng ta phải xây dựng nhà máy lọc dầu nhưng lại vẫn phải đi nhập dầu thô từ nước ngoài về với số lượng lớn.

Nhiều ưu đãi với Dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội

Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục ĐTNN:

Với dự án lớn đối với vùng đất nghèo của miền Trung tôi cho rằng Bình Định sẽ là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất, trong giải quyết việc làm, thu ngân sách, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài… nhưng nếu dự án này được triển khai, cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của  VN đang trở nên cạnh tranh hơnTôi còn nhớ, ngay sau khi Dự án được đề xuất, không ít ý kiến đã bày tỏ sự nghi ngờ bởi quy mô vốn đầu tư quá lớn, chưa kể hàng loạt vấn đề liên quan đến cung – cầu thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay, cả hai nút thắt quan trọng này đã được tháo gỡ.

Về vốn, theo phương án của Báo cáo Nghiên cứu khả thi, PTT và Aramco, mỗi bên đóng góp 40%, phần còn lại sẽ huy động từ các đối tác chiến lược khác trong nước, nhằm lo khâu phân phối, tiêu thụ ở thị trường trong nước. Về một số cơ chế, chính sách áp dụng đối với dự án, Thủ tướng đã đồng ý đưa dự án vào danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư. Theo đó, dự án được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm; miễn thuế trong 4 năm đầu; giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Tổ hợp dự án nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội cũng được miễn thuế nhập khẩu dầu thô, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư mà trong nước chưa sản xuất được để xây dựng nhà máy.

Chủ đầu tư được bán sản phẩm tại thị trường VN,được tổ chức kinh doanh phân phối sản phẩm của dự án ra thị trường theo qui định hiện hành về kinh doanh sản phẩm xăng dầu và các sản phẩm lọc hóa dầu. Chủ đầu tư cũng được miễn tiền thuê đất trong thời hạn hoạt động..

Về thuế xuất khẩu sản phẩm của dự án và gia hạn ưu đãi thuế thu nhập DN 10% trong 30 năm sẽ được xem xét trong giai đoạn thu xếp vốn, trên cơ sở kết quả thiết kế tổng thể (FEED). Đồng thời, Chính phủ bảo đảm ổn định pháp luật về đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư hiện hành; bảo đảm quyền tham gia vào dự án của các nhà đầu tư; bảo đảm việc cân đối ngoại tệ cho dự án theo qui định tại Pháp lệnh quản lý ngoại hối và ủng hộ quyền ưu tiên mở rộng công suất của dự án…

Nguyễn Phước
thực hiện