Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Bất chấp kinh tế lao dốc, Trung Quốc vẫn có sức hút với FDI

Bất chấp kinh tế lao dốc, Trung Quốc vẫn có sức hút với FDI

Trung Quốc vẫn thu hút lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài bất chấp nền kinh tế đang lao dốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố số liệu cho thấy nước này đã thu hút tổng cộng 781,4 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 126,3 tỷ USD) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chưa kể lĩnh vực tài chính, trong năm 2015, tăng 6,4% so với năm 2014 bất chấp hiện trạng nền kinh tế đang hạ nhiệt.

Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, 2015 là năm ngành công nghiệp nặng truyền thống của Trung Quốc không “thuận buồm xuôi gió”. Trong bối cảnh đó, giới đầu tư nước ngoài dành nhiều sự quan tâm hơn cho khu vực dịch vụ và ngành chế tạo công nghệ cao, với có giá trị gia tăng cao.

bat chap kinh te lao doc, trung quoc van co suc hut voi fdi hinh 0
Dù kinh tế Trung Quốc chậm lại, nhưng dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ về. (Ảnh minh họa: Internet)

Tính trong cả năm 2015, lĩnh vực chế tạo công nghệ cao thu hút 58,35 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9,41 tỷ USD) từ các nhà đầu tư nước ngoài, tăng 9,5% so với năm 2014 và chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư của toàn ngành.

Dòng vốn FDI đổ vào khu vực dịch vụ của Trung Quốc đạt 477,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 77,2 tỷ USD), tăng 17,3% so với năm 2014.

Cụ thể, hãng taxi Uber của Mỹ mới đây cam kết sẽ đầu tư 6,3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 956,33 triệu USD) vào thị trường Trung Quốc nhằm thâm nhập ngành công nghiệp du lịch đầy tiềm năng của quốc gia này.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới Starbucks Corp của Mỹ cũng vừa thông báo kế hoạch thành lập 500 cửa hàng tại thị trường Trung Quốc – thị trường nước ngoài lớn nhất của Starbucks – trong năm nay. Starbucks cũng thông báo về dự định tạo mới 10.000 việc làm tại Trung Quốc mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2019.

Hiện tại, đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc đóng góp một nửa tổng kim ngạch ngoại thương tại Trung Quốc, 1/4 tổng sản lượng công nghiệp, 1/5 cho nguồn thu từ thuế, và 1/7 số công ăn việc làm ở thành thị.

Mặc dù FDI là thước đo chính thể hiện sức hút của thị trường Trung Quốc đối với giới đầu tư nước ngoài, đây vẫn chỉ là yếu tố nhỏ trong tổng dòng vốn và so với lĩnh vực xuất khẩu khổng lồ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới./.

Trần Ngọc/VOV.VNTheo Reuters