Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 5 sự kiện đáng chú ý ngành tài chính năm 2014

5 sự kiện đáng chú ý ngành tài chính năm 2014

Năm 2014 được đánh giá là một năm thành công về điều hành chính sách với lãi suất giảm mạnh, tỷ giá và giá vàng ổn định… Báo Diễn đàn Doanh nghiệp online điểm lại những sự kiện đáng chú ý của ngành năm 2014.

2014 được đánh giá là một năm thành công về điều hành chính sách với lãi suất giảm mạnh

1. Trần lãi suất huy động giảm về 5,5%/năm

Trong năm 2014, trần lãi suất huy động đã được điều chỉnh giảm, từ mức khoảng 7% xuống còn 6% và tiếp tục ở mức 5,5%/năm vào tháng 10/2014. Với mức giảm trên, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm về 7%/năm với ngắn hạn, áp dụng tại các tổ chức tín dụng. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 8%/năm.

Mặt bằng lãi suất năm 2014 giảm thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm, với các khoản vay có lãi suất trên 13% chỉ còn chiếm chưa đến 15% trên tổng dư nợ.

2. VAMC mua trên 100.000 tỷ đồng nợ xấu

Theo cơ quan giám sát NHNN, vào thời điểm tháng 9/2012 tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 17%, nhưng sau hơn 2 năm xử lý chủ yếu bằng các giải pháp thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tải sản bảo đảm …thì số nợ xấu này đã giải quyết được hơn một nửa. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2014 ước còn 3,7-4,2%.

Còn theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9% và cuối tháng 9 là 3,8%; ước cuối năm 2014 còn khoảng 2,5-2,7%.

Trong hơn 1 năm thành lập và hoạt động, công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được trên 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Riêng trong năm 2014, VAMC đã mua khoảng 65.000 tỷ đồng, bán và thu hồi được 4.000 tỷ đồng.

3. Siết cho vay đầu tư cổ phiếu và sở hữu chéo

NHNN đã chính thức ban hành Thông tư 36 trong năm qua, với mục đích quan trọng là siết chặt hoạt động cho vay đầu tư cổ phiếu, xử lý nợ xấu và ngăn chặn sở hữu chéo.

Theo Thông tư, một số điểm đáng lưu ý như: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với 1 khách hàng không được vượt quá 15% và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với 1 khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của TCTD; Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của NHTM, chi nhánh NH nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp; NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác và chỉ được nắm giữ dưới 5% vốn có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó…

4. Thị trường vàng, USD ổn định

Ngày 18/6, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ. Theo đó, mức 21.036 đồng/USD sẽ được nâng lên thành 21.246 đồng/USD, tương đương 1%. Với biên độ cộng trừ 1%, tỷ giá trần sẽ là 21.458 đồng/USD, sàn là 21.034 đồng/USD. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay của tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Việc điều chỉnh tỷ giá được cơ quan này đánh giá là hoàn toàn chủ động và vẫn trong biên độ cho phép (2%) mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cam kết từ trước. Ngân hàng Nhà nước vẫn cam kết duy trì đảm bảo thực hiện đồng bộ các biện pháp, công cụ chính sách để ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối.

Tình trạng đô la hóa tiếp tục giảm, thể hiện qua tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 11,6%, giảm so với mức khoảng 12,4% của cuối năm 2012-2013.

Thị trường vàng diễn biến ổn định, giá vàng dao động quanh 35 triệu đồng/lượng và chênh lệch với thế giới khoảng 4 triệu đồng, tương đương cuối năm 2013. Diễn biến ổn định của thị trường vàng đã góp phần duy trì sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.

5. Quyết liệt xử lý vi phạm tài chính ngân hàng

2014 có thể nói là một năm ngành ngân hàng đã rất quyết liệt đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực tài chính. Lần lượt diễn ra các phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm kéo dài đến cuối tháng 12, hai vụ đại án kinh tế của Nguyễn Đức Kiên và Huỳnh Thị Huyền Như đang đi tới hồi kết.

Trong hệ thống ngân hàng, do cố ý làm trái, cả nguyên chủ tịch HĐQT Phạm Công Danh lẫn Tổng giám đốc Phan Thành Mai của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã bị bắt giam, tiếp đó là nguyên chủ tịch ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) Hà Văn Thắm cùng nguyên Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàn cũng bị bắt giữ.

BBT