Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 7 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 31/3 – 5/4

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 31/3 – 5/4

ADB dự báo lạm phát Việt Nam giảm xuống 6,2% trong năm nay, quý I bội chi ngân sách 37.090 tỷ đồng, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1 là 2,18%.. là những thông tin nổi bật trong tuần qua

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 31/3 - 5/4

Giá điện bình quân có thể lên tới 1.835 đồng/kWh

Giá điện bình quân từ nay đến năm 2015 có thể lên tới 1.835 đồng/kWh, tức tăng 21,6% so với hiện tại.

Bộ Công thương cho biết, từ năm 2011 đến nay, cơ chế điều hành giá điện theo thị trường được thực hiện theo Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ (hiện được thay thế bằng Quyết định số 69 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân).

Theo đó giá điện sẽ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản (gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát) biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành.

Hàng năm, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện sau khi có báo cáo kiểm toán, quyết toán, làm cơ sở để điều chỉnh giá bán điện.

Xăng giữ giá, dầu diezel giảm 240 đồng/lít từ ngày 1/4

Theo tin từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), từ 0h ngày (1/4) giá dầu diezel giảm 240 đồng/lít, dầu hoat giảm 150 đồng/lít và dầu mazut giảm 130 đồng/lít.

Theo lãnh đạo Petrolimex, việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với các quy định của Nhà nước.

Trong đêm ngày (31/3) vừa qua, Bộ Tài chính cũng có công văn yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá bán dầu, giữ nguyên giá bán xăng và giảm mức trích quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng.

Theo đó, mức trích quỹ bình ổn giá với xăng RON 92 sẽ hạ từ 300 đồng/lít xuống 200 đồng/lít.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cho biết sẽ chính thức cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối khôi phục lợi nhuận trong giá cơ sở mặt hàng xăng từ 150 đồng/lít lên 300 đồng/lítt heo đúng quy định.

Tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1 là 2,18%

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I năm nay là 2,18%, trong đó khu vực thành thị là 3,75%, thấp hơn quý 1/2013.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý I/2014 ước tính 53,8 triệu người, tăng 0,8 triệu người so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 0,5 triệu người so với năm 2013, trong đó lao động nam chiếm 51,6%; lao động nữ chiếm 48,4%.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý I năm nay ước tính đạt 47,52 triệu người, tăng 0,25 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế quý I/2014 ước tính là 52,8 triệu người, tăng 0,6 triệu người so với năm 2013 và tăng 0,9 triệu người so với quý I/2013.

Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo quý I/2014 ước tính đạt 18,3%, cao hơn mức 17,9% của năm 2013.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I năm nay là 2,18%, trong đó khu vực thành thị là 3,75%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi khu vực nông thôn quý I là 3,44%, tương đương mức cùng kỳ năm trước.

Quý I bội chi ngân sách 37.090 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa thông báo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2014. Theo đó, tính tới hết tháng 3, Việt Nam đang bội chi 37.090 tỷ đồng.

Về thu ngân sách Nhà nước, thực hiện tháng 3 ước đạt 57.950 tỷ đồng, lũy kế thu quý I đạt 195.070 tỷ đồng, bằng 24,9% dự toán, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Thu nội địa thực hiện tháng 3 ước đạt 37.000 tỷ đồng, lũy kế thu quý I đạt 133.680 tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2013 (không kể thu tiền sử dụng đất tăng 16,3%). Đánh giá chung tình hình thu nội địa 3 tháng đầu năm 2014 đạt khá cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2012, đạt 22,7% dự toán. năm 2013 đạt 20,9% dự toán.

Thu về dầu thô thực hiện tháng 3 ước 8.600 tỷ đồng, lũy kế thu quý I ước đạt 26.090 tỷ đồng, bằng 30,6% dự toán, bằng 100,3% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu do kim ngạch một số mặt hàng chịu thuế suất cao, trị giá lớn tăng mạnh so với cùng kỳ. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gai tăng theo chế độ (18.000 tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu quý I ước đạt 34.550 tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán tăng 29% so với cùng kỳ năm 2013.

HSBC: Kinh tế Việt Nam đang phát triển với hai tốc độ

HSBC kỳ vọng lạm phát toàn phần sẽ giảm xuống còn 5,5% trong năm 2014 từ mức 6,6% trong năm 2013.

Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo đánh giá rằng kinh tế Việt Nam đang phát triển với hai tốc độ và chỉ ra một số điểm cơ bản để chứng minh cho điều này.

Theo HSBC, chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC thể hiện khá ấn tượng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình sản xuất của Trung Quốc đang chậm lại và nhu cầu từ Mỹ yếu dần. Chỉ số PMI đã phát triển mạnh trong quý I.2014 với sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng trên mức 50 điểm.

HSBC cho biết trong tháng 3, các hoạt động kinh doanh đã tăng sau khi vừa trải qua tháng 2 phát triển chậm lại, tăng từ mức 51 điểm trong tháng 2 lên 51,3 điểm. Sản lượng tiếp tục tăng trong những tháng tới do đơn đặt hàng mới mạnh và tồn kho hàng hoá giảm thấp, HSBC dự báo. Đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong tháng 3 đã có sự cải thiện dù giảm trong tháng 2.

Trong tháng 2, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi nhu cầu bên ngoài yếu, mặc dù vẫn nằm ở mức tăng trưởng trên 50 điểm. Chỉ số phụ nhân công việc làm tháng 3 lại giảm, nhưng điều đó lại phản ánh nguồn cung lao động có trình độ của Việt Nam thấp hơn là do nhu cầu bị trì trệ.

ADB dự báo lạm phát Việt Nam giảm xuống 6,2% trong năm nay

Sáng ngày 1/4 vừa qua, ADB tổ chức buổi họp báo công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á năm 2014 tại Hà Nội.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết báo cáo “Triển vọng Phát triển châu Á” cung cấp đánh giá của ADB về tình hình kinh tế cập nhật của khu vực châu Á và Thái Bình Dương, cũng như đưa ra các triển vọng kinh tế vĩ mô của khu vực này.

Theo đó, ADB dự báo GDP Việt Nam năm 2014 sẽ tăng nhẹ lên 5,6% trong năm 2014 và tiếp tục tăng lên 5,8% trong năm 2015, cùng với sự hòi phục của nền kinh tế Mỹ và khu vực đồng euro, song song với những tiến bộ đạt được trong việc giải quyết những yếu kém của hệ thống ngân hàng thương mại trong nước.

Tỷ lệ lạm phát dự báo ở mức 6,2%/năm trong năm 2014 và tăng lên 6,6% năm 2015. Năm 2013 tỷ lệ lạm phát Việt Nam là 6,6%. Lạm phát Việt Nam trong năm nay và năm sau tiếp tục duy trì ở mức một con số với sản lượng lương thực nhìn chung ổn định, chính sách kích cầu giảm bớt và đồng tiền Việt Nam giảm nhẹ.

HSBC: Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam tăng trở lại trong tháng 3

Báo cáo ngày 1/4/2014 của HSBC, trong đó cho thấy Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam đã tăng từ mức 51 điểm của tháng 2 lên 51,3 điểm trong tháng 3.

Đây là tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số PMI đứng trên ngưỡng 50 điểm, thể hiện ngành sản xuất tiếp tục có sự tăng trưởng. Trước đó, chỉ số này đã tăng lên 52,1 điểm trong tháng 1, mức cao nhất trong vòng 33 tháng.

HSBC cho biết cả cả cấu phần sản lượng và đơn hàng đều tăng trưởng mạnh lên trong tháng 3, trong khi đơn hàng xuất khẩu mới cũng tăng trưởng trở lại.

HSBC nhận định hoạt động sản xuất của Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi do đầu tư nước ngoài gia tăng, chi phí đầu vào giảm và nhu cầu từ các thị trường phương Tây cải thiện.

Hồng Vân

Theo Trí Thức Trẻ