Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Ấn Độ trỗi dậy sẵn sàng thay Trung Quốc

Ấn Độ trỗi dậy sẵn sàng thay Trung Quốc

Ấn Độ đưa ra thông điệp sẵn sàng để thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng mới của thế giới

Ngày 25/9, Thủ tướng Narendra Modi cùng hàng trăm nhà ngoại giao, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà báo, các bộ trưởng… đã nhóm họp tại New Dehli để khởi động chương trình “Make in India”. Sự kiện này được phát sóng trực tiếp cùng với các loạt hoạt động giới thiệu của đại diện ngoại giao Ấn Độ ở nước ngoài.

Hầu hết các doanh nhân hàng đầu của Ấn Độ đều tham gia cuộc họp này, như Cyrus Mistry (Tata Sons), Mukesh Ambani (Reliance Industries), Azim Premji (Wipro), Kumar Mangalam Birla (Aditya Birla Group)…

Trước đó một ngày, không phải tình cờ Ấn Độ loan báo phóng thành công tàu vũ trụ Mars Orbiter lên Sao Hỏa, đưa Ấn Độ vào danh sách các quốc gia đi đầu khám phá hành tinh đỏ, sau Mỹ, châu Âu và Liên Xô trước đây. Với chi phí cực thấp (khoảng 74 triệu USD), thành công này của Ấn Độ được xem là động lực mới thúc đẩy chương trình vũ trụ suốt 50 qua vừa được Thủ tướng Modi khởi động trở lại, cũng đồng thời cho thấy năng lực khoa học vượt trội của Ấn Độ.

Chiến dịch “Make in India” ra đời trong bối cảnh nền kinh tế nước này rất khó khăn, sau một thập niên tăng trưởng GDP thấp chỉ đạt 4,5%, và chỉ số PMI (quản lý mua hàng) chế tạo – sản xuất luôn thấp, lạm phát cao. Thách thức đặt ra cho chính phủ mới của Thủ tướng Narendra Modi là phải đảo ngược xu thế đó, tạo ra động lực mới để trong ba thập niên tới, Ấn Độ phải tăng trưởng với tốc độ cao và tạo ra công ăn việc làm cho lực lượng dân số trẻ, khoảng 1 triệu việc làm mỗi tháng.

Trong suốt hai giờ tại sự kiện giới thiệu “Make in India”, ông Modi và các bộ trưởng thay phiên nhau giải thích lý do tại sao “sẽ là một điều tuyệt vời nếu sản xuất công nghiệp có thể nở rộ ở Ấn Độ”.

Thủ tướng Ấn Độ cam kết xây dựng hệ thống tàu siêu tốc và các hành lang công nghiệp và thành phố thông minh để tạo đà cho Ấn Độ trở thành một quốc gia chế tạo – sản xuất. Dự án 5 thành phố thông minh ở Hành lang Công nghiệp Delhi – Mumbai đang tiến tới hoàn thành. Ba thành phố công nghiệp mới đã được xác định. 21 cụm công nghiệp mới đã được phê duyệt. Tất nhiên, đi kèm với những dự án hạ tầng khổng lồ này là ưu đãi về thuế và tránh các thủ tục hành chính rườm rà.

Chủ tịch Reliance Industries, ông Mukesh Ambani, cho rằng sáng kiến “Make in India” đã gây phấn khích cho toàn thế giới. Chiến dịch này là vì hiện tại và tương lai của Ấn Độ. Để thành công trong việc thực hiện chiến dịch này, điều quan trọng là mở cửa để thu hút vốn và công nghệ từ tất cả các nước trên thế giới; phải kết nối không chỉ với thị trường trong nước mà cả các thị trường quốc tế.

Lâu nay, bên cạnh nền kinh tế “hóa rồng” khổng lồ Trung Quốc, Ấn Độ được ví như một con voi. Tuy nhiên, biểu tượng của “Make in India” là một con sư tử dũng mãnh, gửi gắm tham vọng kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn. Mọi kế hoạch và thông điệp của “Make in India” đều cho thấy Ấn Độ đã sẵn sàng thay thế Trung Quốc để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Cuộc khủng hoảng ngoại hối năm 1991 buộc New Delhi gỡ bỏ kiểm soát sản xuất tư nhân và nhập khẩu để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế. Từ đó, Ấn Độ đang đi đúng theo con đường phát triển của Trung Quốc là dựa vào xuất khẩu và đầu tư. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc năm 2001 nặng về sản xuất, trong khi Ấn Độ ngày nay lại dựa nhiều vào dịch vụ, gia công bên ngoài cho các công ty khác.

“Họ nên nhớ sản xuất chi phí thấp giờ đây đã không còn chắc thắng. Động lực tăng trưởng của nhu cầu thế giới ngày nay đang bị chi phối mạnh mẽ bởi các nền kinh tế trung bình, hơn là các nước giàu”, nhà kinh tế học EswarPrasad, Đại học Cornell, phân tích.

Về sản xuất thâm dụng lao động trong các lĩnh vực dệt may, điện tử, cơ khí, Ấn Độ đã chậm chân hơn các nước như Indonesia, Thái Lan, Pakistan hay Việt Nam. Dù vậy, Saon Ray, nhà kinh tế học tại Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế quốc tế Ấn Độ, nhận định rằng Ấn Độ vẫn còn cơ hội phát triển những ngành công nghệ cao với lợi thế sẵn có như dược phẩm và thiết bị bán dẫn.

Phân tích từ Morgan Stanley nhấn mạnh rằng lợi thế kinh tế của Ấn Độ nằm ở cơ cấu dân số trẻ. Ấn Độ đang nổi lên thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới với lực lượng lao động khổng lồ và rẻ.

Theo Golman Sachs, sẽ có thêm khoảng 110 triệu lao động Ấn Độ đến năm 2020, trong khi Trung Quốc chỉ thêm được 10% so với lực lượng hiện tại. Lương của lao động Ấn Độ trung bình chỉ bằng 30% so với lao động Trung Quốc hiện tại. Tuy nhiên, xét về khía cạnh phát triển con người, Ấn Độ vẫn còn kém Trung Quốc khá nhiều. Tỷ lệ biết chữ của người dân Ấn Độ năm 2011 thấp hơn của Trung Quốc năm 1993.

Trên phương diện các chỉ số về sức khỏe, vệ sinh và tuổi thọ, Ấn Độ cũng tụt hậu hàng thập niên so với Trung Quốc. Nếu không thay đổi, Ấn Độ sẽ khó lặp lại thành tựu của Trung Quốc với những nền tảng như vậy.

LAM HỒNG