Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Ba rủi ro của nền kinh tế trong những tháng cuối năm

Ba rủi ro của nền kinh tế trong những tháng cuối năm

CTCK Bảo Việt cho rằng 6 tháng cuối năm được kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng tốc với đà tăng trưởng mạnh trở lại của xuất khẩu và một số chính sách mới như nới room, TPP, TPA.

Ba rủi ro của nền kinh tế trong những tháng cuối năm

Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến 18/6

“Tuy nhiên, song hành với đó là ba rủi ro cần được nhà đầu tư theo dõi và lưu ý trong giai đoạn nửa cuối năm nay là nhập siêu, tỷ giá và sức ép lãi suất tăng dần”, CTCK bình luận.

Nhập siêu tăng khá nhanh

Trong Báo cáo vĩ mô 6 tháng đầu năm, CTCK Bảo Việt đã chỉ ra rủi ro đầu tiên trong 6 tháng cuối năm đó là nguy cơ nhập siêu đang quay trở lại với tốc độ khá nhanh. Đây chính là một trong những rủi ro gây áp lực đến mục tiêu điều hành tỷ giá của Việt Nam trong cả năm 2015.

Cán cân thương mại (Nguồn: Bloomberg, BVSC )

Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 3,7 tỷ USD, bằng 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (tiệm cận dần mốc 5% theo chỉ tiêu của Quốc hội) trong khi cùng kỳ năm ngoái Việt Nam xuất siêu 1,9 tỷ USD.

“Sự chững lại trong tăng trưởng của xuất khẩu (mới tăng 9,3% trong 6 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ tăng 15,4%) và sự tăng tốc của nhập khẩu (tăng 17,7% trong khi cùng kỳ năm 2014 tăng 10,5%) đã khiến cho thâm hụt thương mại đang có xu hướng mở rộng”, CTCK Bảo Việt bình luận.

Sự sụt giảm trong tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu do kim ngạch một số mặt

hàng xuất khẩu chính giảm như: dầu thô đạt 2,2 tỷ USD, giảm 45,7%; thủy sản đạt 3 tỷ USD, giảm 14,5%; cà phê đạt 1,4 tỷ USD, giảm 34,8%; gạo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 8,9%; sắt thép đạt 856 triệu USD, giảm 14,1%…

“Xu hướng lên giá của VND so với EUR là một yếu tố khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát trong hai quý đầu năm, đã gây tác động khá mạnh đến xuất khẩu một số mặt hàng chủ chốt vào thị trường EU, điển hình là thủy sản, buộc nhiều doanh nghiệp phải giảm giá bán để giữ đơn hàng (giá cá tra xuất khẩu vào EU đã giảm 5-10% so với cuối năm 2014)”, CTCK Bảo Việt nhận định.

Trong khi đó, nhập khẩu vẫn đang trên đà tăng tốc do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sự hồi phục của sản xuất trong nước.

Một số mặt hàng tăng cao so vời cùng kỳ như: máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,1 tỷ USD, tăng 37,4%; vải đạt 5,2 tỷ USD, tăng 13%; sắt thép đạt 3,7 tỷ USD, tăng 10%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 2,6 tỷ USD, 13,1%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,8 tỷ USD, tăng 22,4%…

Ngoài ra, xu hướng tăng trở lại của các mặt hàng xa xỉ như ô tô nguyên chiếc (đạt 1,6 tỷ USD, tăng 186%) cũng là tín hiệu đáng chú ý.

“Với diễn biến trong 6 tháng đầu năm, nếu tăng trưởng xuất khẩu không sớm lấy lại đà tăng trưởng trong khi các biện pháp quản lý nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ không được kiểm soát chặt hơn thì nhập siêu còn có khả năng tiếp tục tăng cao trong hai quý cuối năm”, CTCK Bảo Việt nhận định.

CTCK Bảo Việt dự báo nhập siêu trong cả năm nay có thể sẽ ở mức 6-7 tỷUSD, chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ẩn số tỷ giá

Trong 6 tháng đầu năm nay, NHNN đã hai lần có quyết định điều chỉnh tỷ giá vào tháng 1 và tháng 5 với biên độ mỗi lần điểu chỉnh là 1%. Sức ép từ thâm hụt thương mại cùng xu hướng lên giá của VND so với các ngoại tệ chủ chốt như EUR, JPY (do những đồng tiền này mất giá mạnh so với USD) đã buộc NHNN phải xem xét tăng tỷ giá. Như vậy, hạn mức điều chỉnh tỷ giá 2% mà NHNN đặt ra kể từ đầu năm đã sử dụng hết.

 Diễn biến tỷ giá (Nguồn: Bloomberg, BVSC)

“Ngoài động thái trên thì NHNN cũng được cho là đã bán ra khoảng 200 triệu USD trên thị trường ngoại hối vào đầu tháng 6 nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường”, CTCK Bảo Việt cho biết.

Theo CTCK Bảo Việt, sau hai lần tăng, tỷ giá đã tạm thời có diễn biến ổn định ở một mặt bằng cao hơn (dao động quanh mức 21.800 – 21.840 VND/USD).

“Sức ép đối với tỷ giá sẽ vẫn còn tương đối lớn trong hai quý cuối năm, đặc biệt vào thời điểm quý IV khi hoạt động nhập khẩu gia tăng mạnh nhất. Tuy nhiên, để giữ vững niềm tin của thị trường vào chính sách, nhà điều hành nhiều khả năng sẽ vẫn có động thái can thiệp bằng cách bán ra ngoại tệ đồng thời khéo léo chọn thời điểm điều chỉnh tiếp tỷ giá (nếu buộc phải điều chỉnh) vào ngay đầu năm 2016”, CTCK Bảo Việt dự báo.

Mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng

Mặt bằng lãi suất cuối quý II đã phát đi những chuyển biến mới khi đồng loạt các

ngân hàng từ khối gốc quốc doanh đến cổ phần đều có động thái điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Mức độ tăng dao động từ 0,2-0,5% tùy từng kỳ hạn, từng ngân hàng.

“Nguyên nhân cơ bản dẫn đến lãi suất tăng xuất phát từ yếu tố chênh lệch giữa cung – cầu vốn. Việc tín dụng khởi sắc đã và đang dần gây áp lực lên khả năng cân đối vốn của các ngân hàng”, CTCK Bảo Việt bình luận.

Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 18/06 ước tính đã đạt 6,09%. Trong khi đó, ở phía cung, tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi đang không theo kịp với tốc độ tăng trưởng tín dụng (mới tăng 4,74%).

“Chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và tín dụng đã khiến tỷ lệ cho vay/huy động tăng nhẹ lên 84%, cao hơn mức 83% tại thời điểm tháng 12/2014. Với diễn biến như hiện tại, mặt bằng lãi suất đã đi qua điểm đáy.

Xét ở triển vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ngày càng tăng tốc trong quý III và quý IV trong khi nguồn vốn huy động có thể sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn nữa với kênh chứng khoán và bất động sản thì mặt bằng lãi suất huy động gần như không còn cơ hội để giảm thêm”, CTCK Bảo Việt nhận định.

Về phía nhà điều hành, các mệnh lệnh hành chính theo hướng ép lãi suất tiếp tục giảm sẽ rất khó thực hiện và phải rất cân nhắc đến rủi ro tỷ giá.

“Mức chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD hiện vẫn được đảm bảo quanh mức 5% nhưng nếu lãi suất VND tiếp tục bị ép giảm trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá vẫn chưa hoàn toàn được hóa giải thì động lực để dòng tiền chuyển từ VND sang USD sẽ ngày càng lớn. Hiện tượng này cùng với vấn đề nhập siêu sẽ là hai thách thức lớn cho cam kết điều hành tỷ giá của NHNN”, CTCK Bảo Việt bình luận.

TRẦN GIANG