Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Cần một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ

Cần một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về giải pháp cho vấn đề giảm sự lệ thuộc vào nguyên phụ liệu NK từ Trung Quốc, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đây cũng là dịp để thực hiện chức năng chủ đạo, dẫn dắt thị trường của khu vực kinh tế Nhà nước.

TS. Trần Du Lịch

Vấn đề DN lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đã tồn tại từ lâu mà chưa có chuyển biến rõ rệt. Theo ông, trong tình hình hiện nay cần có những giải pháp gì để đẩy nhanh tốc độ này?

Đây là vấn đề trung và dài hạn. Lâu nay chúng ta muốn tái cấu trúc thị trường nhưng vật tư và nguyên liệu lại phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay, không chỉ là vấn đề Biển Đông mà còn là trước ngưỡng hội nhập TPP, yêu cầu chúng ta phải thoát khỏi sự lệ thuộc đó.

Giải pháp cho thực trạng này nằm trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ đã ban hành vì trong đề án này đã đặt vấn đề phải chuyển từ nền công nghiệp gia công sang sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên hiện nay phải nói rằng những ngành sản xuất chính của ta chỉ là gia công nguyên liệu của Trung Quốc như điện tử, may mặc, da giày- những ngành mà chúng ta có mặt hàng XK lớn.

Do đó, giải pháp mạnh mẽ hơn là cần hai chính sách cho vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển DN vừa và nhỏ. Hiện nay nhược điểm mà chúng ta không làm được là DN vừa và nhỏ không có khả năng xử lý công nghệ, vậy Nhà nước cần hỗ trợ về khoa học và công nghệ. Trên thế giới, Nhật Bản trong từng giai đoạn phát triển đều có đạo luật như vậy.

Vấn đề thứ hai là nguồn nguyên liệu cần phải tính toán lại. Nếu chúng ta vào TPP mà cứ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc thì rõ ràng chúng ta không hội nhập được bởi yêu cầu của TPP là nguyên vật liệu làm ra sản phẩm phải được sản xuất tại nước sở tại hoặc NK từ thành viên của TPP mà Trung Quốc không tham gia TPP. Tại sao một đất nước có bờ biển dài như Việt Nam mà chúng ta phải nhập bột cá về làm thức ăn chăn nuôi. Tại sao cứ để nông dân làm lúa 3 vụ mà không có chính sách gì để thay đổi cách làm chỉ còn 2 vụ và 1 vụ để trồng nông sản khác. Hay tại sao trong vấn đề ngư nghiệp, chỉ 10% cá ngừ đại dương mà ngư dân đánh bắt được đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường Nhật. Giải quyết vấn đề này, theo tôi cần “bàn tay” của Nhà nước. Cụ thể trong ngư nghiệp cần Nhà nước đóng tàu lớn có hệ thống cấp đông, vận chuyển về đất liền, thay vì việc ngư dân đem đá cây đi đông lạnh cá…

Những giải pháp ông nêu ra chủ yếu là đối với ngành nông, ngư nghiệp vốn là những thế mạnh của Việt Nam. Vậy đối với những ngành công nghiệp nhẹ cần có giải pháp cụ thể gì, thưa ông?

Đối với quy định của TPP cho ngành dệt may xuất phát từ sợi trở đi, vấn đề cần xử lý nhất là tín dụng, cụ thể Ngân hàng Phát triển phải tài trợ tín dụng để các DN đầu tư chuyển từ bông sang sợi. Bên cạnh đó, Nhà nước phải đẩy mạnh công nghiệp hóa dầu không chỉ để thúc đẩy quá trình hoàn thiện sợi polyester mà còn là giải quyết nhiều khâu đoạn quan trọng khác cho nền sản xuất công nghiệp. Những vấn đề này cần nhiều chính sách đồng bộ. Đó là lý do tại sao cần một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ để giải quyết tất cả chính sách chứ không phải từng mặt. Tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu và ban hành một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ phát triển ngành công nghiệp này.

Không chỉ ngành công nghiệp hỗ trợ, thực trạng ngành Điện tử hiện nay là nhập toàn bộ linh kiện về lắp ráp. Vậy tại sao không tính toán đến “bàn tay” của Nhà nước trong việc hỗ trợ, định hướng DN tại khu công nghệ cao đã và đang hình thành. Vấn đề ở đây là phải thay đổi tư duy. DN không cần công nghệ cao hay thấp mà công nghệ nào có lợi thì họ làm còn Nhà nước muốn công nghệ cao thì Nhà nước phải làm. Đây không chỉ là vai trò của ngân hàng và tín dụng nói chung mà là vai trò của Ngân hàng Phát triển. Ở các nước phát triển, Ngân hàng Phát triển làm chuyện này để phát triển công cụ đầu tư cho đất nước.

Để thực hiện những giải pháp mà ông đưa ra thực sự là một kế hoạch trung và dài hạn. Vậy có nên đặt giải pháp chuyển vùng nguyên liệu từ Trung Quốc sang một trong những thành viên của TPP để Việt Nam thích nghi được nhanh hơn quá trình hội nhập TPP không, thưa ông?

Không phải ngẫu nhiên DN NK nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc. DN nhập nguyên liệu từ thị trường này là bởi yếu tố giá cả. Nhà nước không thể bắt DN làm những việc mà Nhà nước muốn. Do đó, tôi mới nói đây cũng chính là lúc cần sự định hướng dẫn dắt của kinh tế Nhà nước, thực hiện đúng vai trò chức năng của khu vực kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nếu chúng ta bắt tay ngay làm thực hiện các giải pháp thì mới nhanh đến đích được.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn : Báo Hải Quan