Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Cẩn trọng với những đợt tăng vốn

Cẩn trọng với những đợt tăng vốn

Nhân sóng lớn trên thị trường chứng khoán, có doanh nghiệp tranh thủ tăng vốn mạnh. Thế nhưng, nhà đầu tư chớ dại đưa chân theo sóng mà quên đi việc phải “trông giỏ bỏ thóc”. Cẩn trọng với những đợt tăng vốn

Không ít ý kiến hoài nghi rằng, việc doanh nghiệp đưa ra chiêu bài phát hành giá cao cho cổ đông chiến lược thực chất chỉ là để đánh bóng cổ phiếu. Nhưng chuyện không chỉ dừng ở đó. Cẩn trọng với “hố” chôn tiền Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (mã SHN) vừa xin ý kiến cổ đông phát hành thêm 25 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, công ty sẽ phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ của công ty. Số tiền thu từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh chính (sàn giao dịch bất động sản, xuất nhập khẩu lao động, xuất nhập khẩu hàng hóa…) và một phần để phục vụ các dự án mà công ty đang triển khai dở dang: dự án khu nhà ở, phòng làm việc Tây Mỗ, dự án trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp ATK tại phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, huyện Bắc Ninh. Điều đáng nói là phương án phát hành của SHN rất lạ. Vào thời điểm doanh nghiệp này công bố phát hành cổ phiếu giá không thấp hơn 10.000 đồng cho đối tác chiến lược, thị giá của SHN trên sàn chỉ 3.000 – 4.000 đồng. Đã mua cổ phiếu lô lớn lại mua đắt gấp 3 lần giá thị trường, không biết có nhà đầu tư lớn nào lại hào phóng như vậy? Nhìn lại “thành tích” kinh doanh và hiệu quả sử dụng vốn huy động từ cổ đông của SHN vài năm trước cũng thấy rất có vấn đề. Doanh nghiệp này lên sàn năm 2010 với vốn điều lệ vỏn vẹn 100 tỷ đồng, ngay sau khi lên sàn đã huy động vốn từ cổ đông và tăng vốn lên 350 tỷ đồng. Sau đó doanh nghiệp đã sử dụng nguồn vốn này với hy vọng cùng trở thành nhà đầu tư thứ cấp tại dự án Thanh Hà Cienco. Dự án khi ấy mới còn trên giấy, đối tác chẳng có căn cứ pháp lý gì về quyền đầu tư vào dự án. Ngay sau đó, công ty bị vướng khoản nợ khó đòi hơn 200 tỷ đồng. SHN sau đó thua lỗ liên tục, có quý lỗ hàng trăm tỷ đồng. Hiện khoản nợ của công ty lên tới trên 220 tỷ đồng. Giá cổ phiếu SHN có lúc rớt xuống 800 đồng và công ty bên bờ phá sản, điều này có nghĩa cổ đông đã gần như mất trắng. Chưa biết nhà đầu tư nào hào phóng bỏ ra vài trăm tỷ đồng vào một công ty đang hấp hối? Hoạt động của công ty cũng chưa có tiến triển nào đáng kể ngoài việc bán dự án lấy tiền, song giá cổ phiếu thời gian qua tăng vùn vụt lên mức trên 7.000 đồng. Chủ tịch Công ty, ông Đinh Hồng Long, cũng kịp thời lướt sóng 500.000 cổ phiếu, thu về số lãi vài trăm phần trăm. Không ít nhà đầu tư trên sàn ngờ vực rằng, việc phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược với giá cao là một chiêu đánh bóng cổ phiếu, góp phần đẩy giá cổ phiếu của công ty này tăng mạnh thời gian qua. Cũng cần nói thêm rằng, SHN đã công bố chuyển nhượng quyền theo đuổi dự án khu nhà ở, văn phòng làm việc Tây Mỗ cho Công ty TNHH Đầu tư Dubai Capital với trị giá 75 tỷ đồng, nhằm giúp công ty có được lợi nhuận dương trong năm 2013. Song cũng trong phương án xin tăng vốn thêm 250 tỷ đồng, công ty lại dùng tiền để đầu tư cho chính dự án mà mình đã bán quyền theo đuổi. Không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ đã ngã ngựa đau đớn với cổ phiếu SHN khi nó rớt xuống mức đáy, bằng 1% của mức giá đỉnh là 80.000 đồng. Tăng vốn khủng, ai hưởng lợi? Một trường hợp tăng vốn đáng chú ý khác là của Công ty cổ phần F.I.T (mã: FIT). Vừa mới lên sàn năm 2013 với số vốn điều lệ 150 tỷ đồng, FIT đã lên kế hoạch chào bán 34,25 triệu cổ phiếu với giá chào bán từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng mỗi cổ phiếu. Biểu đồ kinh doanh của FIT biến động rất lớn. Năm 2011, công ty có doanh thu 141 tỷ đồng, lợi nhuận được 700 triệu đồng. Năm 2012, doanh thu 304 tỷ đồng, lợi nhuận 10,6 tỷ đồng. Năm 2013, doanh thu 238 tỷ đồng, lợi nhuận 45 tỷ đồng. Kiếm lợi chủ yếu từ đầu tư tài chính, nhưng điều đáng nói, công ty có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quá cao trong khi thị trường tài chính còn nhiều khó khăn, khiến những ai quan tâm đến cổ phiếu này đều không khỏi băn khoăn. Tuy nhiên, hiện trên sàn chứng khoán, không hiếm công ty đưa ra bảng thành tích như vậy với mục đích thu hút cổ đông bỏ vốn vào doanh nghiệp. Thế nhưng, chỉ ngay sau đó đồng vốn lại được sử dụng kém hiệu quả, thậm chí là thất thoát. Trường hợp Công ty Dược Viễn Đông đã phá sản là một ví dụ. Dĩ nhiên, việc mua hay không mua cổ phiếu phát hành thêm của doanh nghiệp là quyền của mỗi cổ đông. Tuy nhiên, nhà đầu tư trước khi mua cũng cần phải lưu ý tới cơ cấu cổ đông lớn của FIT. Có thực tế, các cổ đông lớn của công ty này đồng thời lại có chân trong ban lãnh đạo doanh nghiệp như chủ tịch công ty (sở hữu trên 5% vốn), tổng giám đốc… Chính những người này sẽ tham gia quyết định việc sử dụng khoản vốn huy động được. Tận dụng cơ hội tăng vốn để “thổi” qui mô của doanh nghiệp, nhìn ở góc độ nào đó thực ra là đem lại lợi ích về tài chính cho cá nhân cổ đông lớn và ban lãnh đạo doanh nghiệp mà thôi. Vì chính họ là đối tượng thường được mua cổ phiếu theo giá ưu đãi. Câu hỏi đặt ra là, vậy thì cơ chế nào để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia góp vốn vào doanh nghiệp? Hiện nay Ủy ban Chứng khoán chỉ quy định, doanh nghiệp phải báo cáo tình hình sử dụng vốn trong vòng 6 tháng kể từ đợt phát hành. Sau đó, doanh nghiệp sử dụng vốn ra sao, còn hay mất… cổ đông không được biết. Có doanh nghiệp trong 6 tháng không sử dụng một đồng vốn huy động nào và báo cáo giữ nguyên số tiền gần 90 tỷ đồng huy động được. Tuy nhiên, ngay sau thời điểm báo cáo họ tiến hành giải ngân gần hết. Cách này giúp họ lách không phải công bố, tránh việc cổ đông tham gia giám sát. Nói về việc huy động vốn của doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán, giám đốc tư vấn của một công ty chứng khoán cho hay: doanh nghiệp không thiếu chiêu trò. Một khi thị trường tăng mạnh như thời gian qua, việc đánh bóng, làm giá cổ phiếu là điều không hiếm. Vậy nên, về phần mình, hơn ai hết chính các nhà đầu tư phải tỉnh táo để bảo vệ túi tiền của mình. Không nên mua cổ phiếu của các công ty phát hành thêm để trả nợ hoặc đầu tư tài chính, buôn bán kinh doanh lòng vòng. Nếu không nhà đầu tư rất dễ “bỏng tay” khi đặt cược vào cổ phiếu “nóng”.

Theo Mai Phong – Diễn đàn doanh nghiệp