Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã đăng kí đầu tư vào Việt Nam (tính chung cả cấp mới và tăng vốn) là 6,85 tỉ USD, bằng 64,7% so với cùng kì 2013; trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 326 dự án, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư đăng kí…

Cả nước có 656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng kí 4,85 tỉ USD, bằng 93,2% so với cùng kì năm 2013. Có 219 lượt dự án đăng kí tăng vốn đầu tư với tổng vốn là 1,99 tỉ USD, bằng 37% so với cùng kì năm 2013. Về cơ cấu vốn FDI, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 326 dự án đầu tư đăng kí mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỉ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư đăng kí. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 2 với 58 dự án đầu tư đăng kí mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 465,4 triệu USD, chiếm 6,8%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 16 dự án đăng kí mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 692,3 triệu USD, chiếm 10,1%. Tiếp đến là lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội với tổng số vốn đăng kí cấp mới và tăng thêm là 258,9 triệu USD.

Về đối tác đầu tư, có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng kí cấp mới và tăng thêm 1,55 tỉ USD, chiếm 22,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hồng Kông (Trung Quốc) đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng kí cấp mới và tăng thêm là 1 tỉ USD, chiếm 14,7 % tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng kí cấp mới và tăng thêm là 806 triệu USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư…

Xét theo địa phương, 6 tháng đầu năm 2014, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 43 tỉnh, thành phố cả nước, dẫn đầu là TP Hồ Chí Minh với 886,3 triệu USD vốn đăng kí mới và tăng thêm chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng kí cấp mới và tăng thêm là 876,05 triệu USD, chiếm 12,8%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 688,37 triệu USD vốn đăng kí cấp mới và tăng thêm, chiếm 10%. Tiếp theo là Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh với quy mô vốn đăng kí lần lượt là 573,5 triệu USD; 382,1 triệu USD và 349,9 triệu USD. Một số dự án lớn được cấp phép trong 6 tháng qua có thể kể đến Dự án Công ty Cổ phần Xi-măng Thăng Long (Nhà máy xi-măng Thăng Long) do nhà đầu tư In-đô-nê-xi-a xây dựng tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư đăng kí 352,65 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế Đại An Việt Nam – Ca-na-đa tại Hải Dương với tổng vốn đầu tư 225 triệu USD; Dự án Công ty TNHH KCN Texhong Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD; Dự án Khu chung cư phường 22, quận Bình Thạnh tại TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 200,11 triệu USD…

Rõ ràng, khu vực FDI chiếm tỉ trọng không cao trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp về số lượng, lao động, vốn và doanh thu nhưng lại chiếm tỉ trọng cao về lợi nhuận và nộp ngân sách. Năm 2013, các doanh nghiệp FDI chiếm tới 45,4% tổng lợi nhuận và 30,5% tổng số nộp ngân sách nhà nước của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào hoạt động gia công, lắp ráp, nguyên vật liệu chủ yếu nhập ngoại nên giá trị gia tăng chưa cao. Không ít các doanh nghiệp FDI không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết khi đăng kí kinh doanh về đầu tư trang thiết bị và xử lí chất thải, bảo vệ môi trường. Việc kì vọng chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kĩ năng cho các nhà quản lí doanh nghiệp của Việt Nam phải còn khá lâu mới đạt mục tiêu…

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát môi trường đầu tư, tạo yếu tố minh bạch và ổn định cho các nhà đầu tư nước ngoài để Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư

Khánh Linh