Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Công ty Nhiệt điện Mông Dương: Góp phần phát triển kinh tế khu vực Đông Bắc

Công ty Nhiệt điện Mông Dương: Góp phần phát triển kinh tế khu vực Đông Bắc

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Văn Thập – Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Mông Dương – khẳng định: Năm 2016, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thời tiết không thuận lợi, song với nhiều giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp, công ty vẫn huy động công suất phát lớn nhất nhằm tăng sản lượng điện, bảo đảm cung cấp điện cho khu vực.

Lãnh đạo công ty cùng với kíp vận hành trong buổi lễ phát điện thương mại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương

Xin ông cho biết, vai trò của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương trong việc cung cấp điện cho khu vực phía Bắc?

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 thuộc Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3) gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 540 MW, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khởi công xây dựng ngày 22/10/2011 trên diện tích khoảng 520ha tại khu 8, phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, trong đó diện tích đất sử dụng cho các hạng mục nhà máy chính là 301ha. Đây là một trong những nhà máy nhiệt điện than được xây dựng với công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, thông số hơi cận tới hạn, công nghệ lò hơi đốt than kiểu tầng sôi (CFB) hiện đại, phù hợp với các loại than antracite có chất lượng thấp tại các mỏ than khu vực Cẩm Phả – Quảng Ninh.

Việc đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương có ý nghĩa lớn trong việc bảo đảm cung cấp điện cho khu vực phía Bắc từ năm 2015 và các năm tiếp theo sau khi đưa vào vận hành thương mại, với sản lượng điện hàng năm khoảng 6 tỷ kWh. Các tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương vận hành ổn định sẽ góp phần giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô, giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Đông Bắc Việt Nam nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung.

Năm 2015 và đặc biệt những tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng khí hậu El nino, việc sản xuất điện của các nhà máy thủy điện gặp nhiều khó khăn. Điều này có ảnh hưởng gì đến kế hoạch sản xuất của công ty không, thưa ông?

Năm 2015 và đặc biệt những tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng của khí hậu El nino nên các nhà máy thủy điện không phát được công suất cao, sản lượng điện lưới sẽ thiếu hụt. Do vậy, Công ty Nhiệt điện Mông Dương có cơ hội được phát công suất cao. Cùng với sự nỗ lực của ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty là nhân tố quan trọng để hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2016.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương

Theo ông, đâu là giải pháp quan trọng góp phần đưa công ty đẩy nhanh sản lượng điện thương phẩm?

Để đẩy nhanh sản lượng điện thương phẩm, công ty đã đưa ra một loạt các giải pháp quan trọng như: Lãnh đạo công ty bám sát kế hoạch sản xuất, chỉ đạo công ty ứng phó kịp thời với các tình huống xấu do thời tiết hay các yếu tố bất lợi khác tác động đến sự vận hành của các tổ máy. Bên cạnh đó, cán bộ, công nhân viên trong công ty không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp.

Công tác bảo dưỡng thiết bị định kỳ được thực hiện tốt nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu sự cố. Khi thiết bị hỏng hóc, cần được sửa chữa kịp thời với thời gian ngắn nhất để đưa các thiết bị vào vận hành. Nhiệt điện Mông Dương luôn phối hợp chặt chẽ với nhà thầu nhằm hoàn thiện các tồn tại của thiết bị nhà máy trong thời gian bảo hành với chất lượng cao.

Ban lãnh đạo công ty luôn coi trọng công tác bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo nhằm nâng cao tay nghề và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân vận hành, bảo đảm vận hành tin cậy, an toàn và kinh tế, góp phần tăng sản lượng điện thương phẩm. Một đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có tay nghề, chuyên môn cao sẽ là thế mạnh đáng kể cho đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh điện.

Song hành với các biện pháp trên, công ty thực hiện đồng bộ các biện pháp tiết giảm các chi phí như: Giảm điện tự dùng; tiết kiệm than, dầu đốt lò, dầu kèm, dầu mỡ bôi trơn thiết bị; tiết kiệm tiêu hao hơi, tiêu hao nước ngọt, nước khử khoáng và nước công nghệ… Qua đó, các chi phí giảm xuống tạo điều kiện hạ giá thành sản xuất.

Ông có thể chia sẻ về những giải pháp điều hành nhằm đạt mục tiêu của công ty trong năm 2016?

Nhiệt điện Mông Dương là nhà máy mới, thiết bị đồng bộ, được tự động hóa cao, kể từ khi đưa vào vận hành các thiết bị luôn ổn định, tin cậy, không có sự cố lớn. Năm 2016, với diễn biến bất thường của thời tiết với lượng mưa ít, nhà máy được huy động phát với công suất cao. Tuy nhiên, khi có mưa, lượng nước các hồ thủy điện nhiều, các nhà máy nhiệt điện được huy động thấp, trong đó có nhiệt điện Mông Dương. Nhất là về mùa mưa, độ ẩm của than tăng cao >11%, ảnh hưởng nhiều đến quá trình vận hành cụ thể như: Tiếp nhận than được ít trong vận chuyển; tắc than tại các sàng rung trong máy nghiền than; tắc than trong các silo chứa và các băng tải vận chuyển, ống dẫn than vào lò…

Nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh điện hiệu quả, công ty thực hiện nhiều giải pháp sau: Tăng cường chăm sóc, bảo dưỡng và sửa chữa các khiếm khuyết tồn tại của thiết bị; bảo đảm các thiết bị luôn sẵn sàng phát điện ở phụ tải cao nhất khi được huy động; tích trữ lượng than khô hợp lý trong kho và không nhận than khi trời mưa, có độ ẩm cao.

Xin cảm ơn ông!

Công ty Nhiệt điện Mông Dương chính thức tham gia thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/7/2017. Trong thời gian tới, công ty có chiến lược duy trì sự vận hành tin cậy và bảo đảm thiết bị luôn có độ dự phòng cao, đồng thời chào giá hợp lý để được huy động công suất phát lớn nhất nhằm tăng sản lượng điện.

Đặng Hiền