Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Cũ người mới ta

Cũ người mới ta

Quá trình thay đổi của DNNVV đã bắt đầu ở Việt Nam, nhưng còn rất chậm. Do vậy, cần chuyển đổi nhanh hơn nữa chiến lược từ kinh doanh truyền thống dựa trên chi phí thấp sang kinh doanh mới dựa trên sự sáng tạo, nhằm tận dụng tốt hơn những lợi thế về kinh tế mà Việt Nam vẫn đang giữ được.

 

Về mặt quan điểm, GS;TS Wim Vanhaverbeke – Trưởng kinh doanh ESADE (Trung tâm hàng đầu về đào tạo Quản trị tại châu Âu) đánh giá, quá trình thay đổi của DNNVV đã bắt đầu ở Việt Nam, nhưng còn rất chậm. Do vậy, cần chuyển đổi nhanh hơn nữa chiến lược từ kinh doanh truyền thống dựa trên chi phí thấp sang kinh doanh mới dựa trên sự sáng tạo, nhằm tận dụng tốt hơn những lợi thế về kinh tế mà Việt Nam vẫn đang giữ được.


DNNVV nên liên kết sáng tạo cùng nhau mới mau thành công

Rõ ràng, “sáng tạo” không chỉ mang lại sự tăng trưởng đột phá cho DN mà còn làm thay đổi chiến lược của một DN, nhất là trong bối cảnh các DN Việt Nam vẫn quen kinh doanh dựa trên lợi thế về chi phí thấp. Trong khi đó, mỗi sản phẩm của một công ty chỉ có thể tồn tại khoảng 5 năm, sau thời gian đó nó sẽ đi vào lối mòn và bị lãng quên.

Quả vậy, trong 5 năm gần đây, chi phí nhân công của Việt Nam đã tăng lên mức cao hơn các nước Thái Lan, Indonesia hay các thị trường mới nổi ở châu Phi. Tuy nhiên, các DNNVV Việt Nam lại chỉ “bận rộn” kêu gọi Chính phủ hỗ trợ thay vì để ý đến chuyện đổi mới, sáng tạo để có thể sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao và lợi nhuận lớn hơn.

Giáo sư Wim Vanhaverbeke đánh giá, để sáng tạo không khó. Với những DNNVV, nếu  không có nguồn vốn đầu tư mạo hiểm để hiện thực hóa những ý tưởng hay, họ chỉ cần áp dụng mô hình “sáng tạo mở” để có được sự hỗ trợ cần thiết cho việc biến ý tưởng thành sản phẩm trên thị trường.

Cụ thể, DN chỉ đảm nhiệm một phần quá trình sáng tạo, phần còn lại được thực hiện bởi các đối tác bên ngoài. Việc hợp tác có thể được thực hiện ở giai đoạn nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ hoặc trong giai đoạn thương mại hóa sản phẩm. Sáng tạo mở có sự phối hợp của các nguồn lực bên trong và bên ngoài nhằm thúc đẩy quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm ra thị trường.

Như trường hợp của hãng Philips, cách đây không lâu DN này phát minh ra chảo chiên khoai tây bằng không khí nóng, vì đầu tư phức tạp nên chi phí cho mỗi sản phẩm lên tới 200 EUR. Trong khi đó, có một DN chỉ có 2 người họ cũng sản xuất ra một sản phẩm tương tự với giá rẻ. Philips đã bán công nghệ độc quyền cho DN đó để bán lẻ trên thị trường với thời hạn 5 năm.

Tuy nhiên, Philips thỏa thuận đến năm thứ 3 thì Philips có quyền mua lại sản phẩm đó để cải tiến và phát triển. Ngược lại, DN kia cũng có quyền bán sản phẩm đó cho bất kỳ ai. Sự kết hợp này cả hai bên đều có lợi lâu dài.

Là đơn vị kinh doanh thành công dựa trên sự sáng tạo, ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cũng nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn, các DN phải liên kết sáng tạo cùng nhau mới mau chóng thành công.

Thứ nhất, sự phức tạp của công nghệ vượt ra ngoài phạm vi và khả năng xử lý của một DN. Để có thể sáng tạo ra một sản phẩm mới có sự kết hợp các tri thức, năng lực khác nhau của các DN, các phòng nghiên cứu…

Thứ hai là tốc độ, nếu một DN tự xây dựng những năng lực công nghệ, mà một DN khác hiện đã có, để tự nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm thì có thể mất vài năm. Trong thời gian đó, rất có thể các DN khác đã kịp đưa ra nhiều sản phẩm mới khiến cho sản phẩm của bạn trở nên lỗi thời.

Cuối cùng là rủi ro và chi phí. Có một số nghiên cứu rất rủi ro và đòi hỏi chi phí lớn. Sẽ là an toàn và có lợi hơn nếu nhiều DN lớn cùng phối hợp nguồn lực để thực hiện từng phần của nghiên cứu và cùng chia sẻ kết quả.

KIM