Các báo cáo kinh tế tiêu cực từ châu Âu và số liệu tích cực của Mỹ đã đẩy đồng EUR xuống đáy mới 9 năm vào ngày thứ Năm. Đây là phiên giảm giá thứ 5 liên tiếp của đồng tiền chung trong bối cảnh đồng bạc xanh tiếp tục được hưởng lợi từ sự phân hóa của các chính sách tiền tệ.
Theo đó, đồng EUR đã giảm còn 1.17540 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2005 trên sàn EBS. Các chuyên viên giao dịch cho rằng rào cản đối với đồng EUR là tại 1.1750 USD. Tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm 2015, đồng tiền chung giao dịch quanh 1.17895 USD, giảm 0.41%.
Sự rớt giá của đồng EUR đã giữ chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tại các mức cao nhất trong 9 năm. Chỉ số này đã chạm mức cao nhất trong phiên tại 92.528 trước khi rút ngắn đà tăng còn 0.49% về mức 92.333.
Trong khi đó, đồng USD leo lên mức 119.97 JPY và thoát khỏi mức thấp nhất trong 3 tuần chỉ trên 118 JPY xác lập hôm thứ Ba. Cuối phiên, đồng bạc xanh giao dịch quanh 119.63 JPY, tăng 0.32%.
Ông Marc Chandler, Trưởng Bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu của Brown Brothers Harriman tại New York, cho biết nhà đầu tư đang mua vào đồng USD và đà phục hồi của các thị trường chứng khoán toàn cầu trong ngày thứ Ba đã chung tay đẩy đồng JPY rớt giá.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp vào ngày 22/01 tới và nhà đầu tư kỳ vọng trước sau gì ngân hàng này cũng sẽ phát động chương trình mua trái phiếu Chính phủ với lượng tiền mới, một chính sách được biết đến với tên gọi chương trình nới lỏng định lượng (QE). Nếu ECB quyết định hỗ trợ nền kinh tế bằng QE như kỳ vọng thì điều đó sẽ đẩy lãi suất thậm chí tăng mạnh hơn trong tương lai và khiến khu vực này ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Điều đó trái ngược với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, trên thực tế là giới hạn dòng vốn rẻ, khi nền kinh tế có vẻ như đang trên đà phục hồi bền vững hơn.
Đà sụt giảm đầy bất ngờ và mạnh hơn kỳ vọng của số đơn đặt hàng ảm đạm trong tháng 11/2014 tại Đức cũng như sự sụt giảm của kỳ vọng lạm phát tiêu dùng tại Eurozone đã củng cố quan điểm bi quan trước đó về đồng tiền chung. Bên cạnh đó là lo ngại rằng cuộc tổng tuyển cử vào ngày 25/01 tới tại Hy Lạp sẽ dẫn đến sự chia rẽ giữa Berlin và Athens xung quanh các chính sách “thắt lưng buộc bụng” đối với Hy Lạp.
Hôm thứ Hai, đồng EUR cũng đã rớt xuống mức thấp nhất trong 9 năm sau khi Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết ngân hàng trung ương có thể sớm khởi động chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Phước Phạm (Theo Reuters, BBC)