Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Đồng Euro mất giá: “Điều trùng hợp bất lợi đối với doanh nghiệp”

Đồng Euro mất giá: “Điều trùng hợp bất lợi đối với doanh nghiệp”

Dưới tác động đồng Euro mấy giá, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu khó có thể giảm giá theo đề nghị từ phía đối tác trong bối cảnh chi phí đầu vào như điện, nhân công, xăng dầu… đã được điều chỉnh tăng.

Đồng Euro mất giá: “Điều trùng hợp bất lợi đối với doanh nghiệp”

Năm 2014, các quốc gia châu Âu nói chung đã nhập khẩu khoảng 28 tỷ USD, tương đương 19% trong 150 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. 

Trong đó, điện thoại di động và linh kiện, giày dép, dệt may, máy vi tính và linh kiện, cà phê và thủy sản đóng góp tương ứng 30%, 13%, 7%, 5% và 5% vào tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập khoảng 8,8 tỷ USD hàng hóa từ châu Âu, tương đương khoảng 6% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Do đó việc giảm giá của đồng Euro (giảm 13% so với đầu năm và 24% so với cùng thời điểm năm ngoái và là mức thấp nhất so với đồng USD trong hơn 1 thập kỷ qua) đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang thị trường này với phương thức thanh toán bằng đồng USD sẽ gặp khó. 

Trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, đồng Euro xuống thấp khiến giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu tăng lên, làm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam kém sức cạnh tranh so với các nước khác xuất khẩu vào châu Âu. 

“Biến động tạo ra sự mất ổn định với thị trường xuất khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu sự biến động và rủi ro lớn hơn. Đây là điều bất lợi đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, ông Doanh nói. 

Trước việc một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, da giày của Việt Nam sang thị trường châu Âu cho biết, phía đối tác đề xuất giảm giá sản phẩm, ông Doanh thông tin rằng, hiện tượng tương tự đã từng xuất hiện đối với hoạt động xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản của doanh nghiệp Việt Nam khi đồng Yên xuống giá. 

Tuy nhiên, ông Doanh cũng nhấn mạnh điều trùng hợp nhưng bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. “Biến động tỷ giá diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp Việt vừa chịu trận nâng giá dồn dập nên đây là trường hợp hết sức khó khăn đối với các doanh nghiệp”, ông Doanh nêu quan điểm. 

Theo đó, ông Doanh đề xuất rằng, các doanh nghiệp, Hiệp hội có thể đề xuất những chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp xuất khẩu ở mức độ nhất định, chẳng hạn như sự hỗ trợ về giá điện dựa trên tỷ lệ xuất khẩu sang thị trường châu Âu của các doanh nghiệp. 

TÂM AN