Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Đồng rúp Nga mất giá, vì sao?

Đồng rúp Nga mất giá, vì sao?

Nhiều người dân Nga hối hả mua hàng vì sợ chẳng mấy chốc giá sẽ tăng.

Hãng tin AFP ghi nhận Nga đang bước vào vòng xoáy nguy hiểm của cuộc khủng hoảng tiền tệ. Không khí hoảng loạn tài chính bùng nổ không chỉ ở Nga mà trên toàn thế giới.

Ngày 15-12 (giờ địa phương) được xem là “thứ hai đen tối” ở Nga. Đồng rúp Nga mất giá đến 9,5%. Sang hôm sau, đồng rúp tiếp tục giảm giá 20%, mức thấp kỷ lục so với USD (1 USD = 80 rúp) và euro (1 euro = 100 rúp) kể từ khủng hoảng tài chính năm 1998.

Hãng thông tấn Interfax (Nga) dẫn lời Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga Sergey Shvetsov nhận định: “Tình hình nguy kịch. Ngay cả trong cơn ác mộng tệ hại nhất cách đây một năm chúng tôi cũng không thể tưởng tượng điều gì xảy ra hiện nay”.

Có ba nguyên nhân dẫn đến đồng rúp mất giá: Một là tình trạng đầu cơ, hai là giá dầu thô giảm mạnh và ba là phương Tây cấm vận với lý do Nga can thiệp vào Ukraine.

Giá dầu (oil prices) giảm mạnh đã tác động làm đồng rúp Nga mất giá. Biếm họa của DARYL CAGLE

Đối với các hộ gia đình, đồng rúp mất giá tác động rất rõ qua giá cả. Giá cả trên thị trường đã tăng 10% trong vòng một năm và hứa hẹn sẽ còn tăng.

Trong những ngày qua, một số cửa hàng đã niêm yết giá nhiều mặt hàng bằng ngoại tệ như những năm 1990. Nhiều người dân hối hả chạy mua hàng điện máy, bàn ghế vì sợ chẳng mấy chốc giá sẽ tăng.

Để cứu vãn đồng rúp, sau khi đã bơm 5,9 tỉ USD để mua đồng rúp, chỉ trong vòng một tuần Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản đến hai lần nhằm tạo cho đồng rúp trở nên hấp dẫn hơn.

Ngày 11-12, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo tăng lãi suất cơ bản lên 10,5%, tức tăng gần gấp đôi mức đầu năm 5,5%. Đến ngày 15-12, lãi suất tiếp tục được tăng lên 17%.

GS Charles Wyplosz ở Viện nghiên cứu quốc tế tại Genève (Thụy Sĩ) giải thích đây là biện pháp nhằm ngăn chặn các nhà đầu tư rút vốn khỏi Nga. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 120 tỉ USD vốn đầu tư thất thoát khỏi Nga.

Ngày 10-12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã phát biểu trên truyền hình kêu gọi nhân dân bình tĩnh và bảo đảm đồng rúp sẽ phục hồi giá trị như cũ.

Ông giải thích: “Năm 2008-2009, khi đồng rúp suy yếu mạnh, một bộ phận người dân đã chạy đi đổi đồng rúp sang đôla nhưng cuối cùng đồng rúp vẫn giữ giá”.

Ông cảnh báo: “Ai giữ USD hay ngoại tệ khác sẽ bị mất tiền”.

Ông cho rằng hầu hết các nhà kinh tế đều nói đồng rúp bị định giá thấp. Do đó, hiện nay đã có định giá lại và trong tháng này hay trong một tháng nữa đồng rúp sẽ cân bằng tỉ giá trở lại.

AFP ghi nhận khác với năm 1998, nguy cơ nhà nước Nga mất khả năng chi trả rất thấp. Hiện thời nợ nước ngoài của Nga chỉ chiếm khoảng 10% GDP.

Dự trữ ngoại tệ của Nga đã giảm 20% trong một năm (do giá dầu thô giảm) nhưng còn trên 400 tỉ USD. Ngày 17-12, chính phủ Nga đã thông báo sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để yểm trợ cho đồng rúp.

Kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ nguồn lợi dầu thô. Do đó, giá dầu thô giảm kéo theo nguồn thu quốc gia cũng giảm theo. Hồi tháng 11, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov nhận định Nga có thể bị thiệt hại đến 100 tỉ USD do giá dầu giảm. Hồi đầu tuần, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo nếu giá dầu ở mức hiện tại (trên dưới 60 USD/thùng), GDP của Nga có thể giảm 4,5%-4,8%. Nga dự báo sẽ suy thoái -0,8% trong năm 2015 sau mức tăng trưởng 0,6% năm nay.

49% giá trị đồng rúp đã bị mất so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay. So với đồng euro, đồng rúp đã mất giá 42%.

_________________________________________

Trong lúc khủng hoảng đừng bao giờ chuyển từ ngoại tệ này sang ngoại tệ khác. Ngay cả giới chuyên nghiệp cũng không làm như thế. Lao đến các phòng kiều hối đổi đồng rúp sang USD sẽ bị mất tiền tiết kiệm. Hiện thời, điều chủ yếu là đừng gieo hoang mang.

Chủ tịch Ủy ban Ngân sách và Thuế (Duma quốc gia Nga)
ANDREI MAKAROV

HOÀNG DUY