Go to Top
Trang chủ > Tin tức > EVN: Tích cực triển khai quy hoạch điện VII điều chỉnh

EVN: Tích cực triển khai quy hoạch điện VII điều chỉnh

Ngay sau khi Quy hoạch điện VII được điều chỉnh vào tháng 3/2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai thực hiện.

 Nhu cầu đầu tư cho lưới điện truyền tải giai đoạn từ 2016 – 2020 rất lớn

Những kết quả đạt được

Báo cáo của EVN trong 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, công tác đầu tư xây dựng các dự án bảo đảm tiến độ do có thuận lợi trong thu xếp, bố trí, giải ngân vốn. Ước giá trị khối lượng thực hiện đạt 67.678 tỷ đồng, giải ngân đạt 52.171 tỷ đồng.

Cụ thể, về nguồn điện, đã hòa lưới phát điện tổ máy 2 Thủy điện Lai Châu (400MW), tổ máy 2 Thủy điện Huội Quảng (260MW) và khởi công dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (600MW). Hoàn thành cấp chứng chỉ PAC cho 4 tổ máy nhiệt điện.

Công tác thi công các dự án nguồn điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Nhiệt điện Thái Bình, các thủy điện: Sông Bung 2, Trung Sơn, Thác Mơ mở rộng, Đa Nhim mở rộng cơ bản bám sát tiến độ. EVN cũng đã hoàn thành đóng điện 110 công trình lưới điện 110 – 500kV, trong đó có nhiều dự án quan trọng bảo đảm cấp điện cho miền Nam và TP. Hà Nội. Đồng thời, khởi công được 72 công trình lưới điện 110 -500kV…

Trong công tác đầu tư lưới điện nông thôn, EVN đã hoàn tất các thủ tục kết thúc dự án Cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức; hoàn thành cấp điện cho xã đảo Cái Chiên (Quảng Ninh); bảo đảm tiến độ theo kế hoạch các dự án cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm, xã đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ (tỉnh Kiên Giang); dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tại nhiều địa phương như Sơn La, Lai Châu, Bắc Kạn và Nghệ An…

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, bên cạnh việc bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế – xã hội, EVN sẽ tiếp tục bảo đảm tiến độ và chất lượng các công trình nguồn và lưới điện theo kế hoạch năm cũng như theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Vẫn còn nhiều áp lực

Với tốc độ tăng trưởng phụ tải cao trên 11%/năm, đồng thời trước những đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng về chất lượng điện, độ tin cậy cấp điện, đòi hỏi ngành điện cần tiếp tục đầu tư cả hệ thống nguồn lẫn lưới điện. Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhu cầu về điện thương phẩm đến năm 2020 phải đạt khoảng 235 – 245 tỷ kWh; điện sản xuất và nhập khẩu phải đạt 265 – 278 tỷ kWh. Để hoàn thành chỉ tiêu này, tổng công suất nguồn điện các loại vào năm 2020 phải đạt khoảng 60.000MW (gấp đôi hiện tại). Nghĩa là, phải hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 21.650MW. Cụ thể: Năm 2016 là 3.795 MW; năm 2017 là 2.716; năm 2018 là 4.338 MW; năm 2019 là 6.230 MW; năm 2020 là 4.571 MW; trong đó, nguồn điện của EVN chiếm hơn 33,1%.

Đối với lưới điện truyền tải giai đoạn từ 2016 – 2020, khối lượng đường dây 500kV cần phải xây dựng thêm là 2.746km và 7.488km đường dây 220kV, cùng với đó là 26.700MVA (trạm 500kV) và 34.966MVA (trạm 220kV).

Tổng nguồn vốn giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 40 tỷ USD (75% cho nguồn điện và 25% cho lưới điện), trung bình mỗi năm cần 8 tỷ USD (tương đương trên 160.000 tỷ đồng). Đây là một thách thức không hề nhỏ cho EVN.

Theo ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN, các quy định, cũng như quản lý về công tác đầu tư xây dựng sẽ ngày càng siết chặt hơn. Thêm vào đó, việc sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA của Chính phủ và các tổ chức quốc tế tài trợ vốn cũng không dễ dàng gì vì họ đưa ra nhiều điều kiện khắt khe, ràng buộc hơn.

Ngoài ra, các vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng đối với dự án điện vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Đơn cử như các dự án truyền tải điện, trong 6 tháng đầu năm 2016, mới khởi công được 5/52 công trình theo kế hoạch năm 2016; dự án đóng điện đạt 25 công trình/64 công trình theo kế hoạch năm 2016.

Dù đã có những giải pháp về nguồn vốn, giải quyết khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án điện, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, Nhà nước cần đưa ra những cơ chế chính sách cụ thể hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành điện, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Vũ Sơn