Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Hàng Việt khẳng định sức mạnh lan tỏa

Hàng Việt khẳng định sức mạnh lan tỏa

Hàng Việt đang ngày càng khẳng định sức lan tỏa, chiếm lĩnh thị trường, không chỉ ở siêu thị, cửa hàng mà còn tại các chợ truyền thống, chợ nông thôn. Hiện có đến gần 80% người tiêu dùng trong nước đã tin, dùng hàng Việt.

Với sức lan tỏa mạnh, hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường

Với sức lan tỏa mạnh, hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường

CôngThương – Tạo niềm tin

Việc lựa chọn ưu tiên hàng Việt Nam đang trở thành thói quen tiêu dùng của nhiều người dân trên cả nước. Đó là do hàng Việt Nam sản xuất có chất lượng ngày càng cao, mẫu mã phong phú. Việc lưu thông được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là việc đưa hàng Việt về các chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã được triển khai sâu rộng.

Với sức lan tỏa mạnh, hàng Việt đang ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường. Từ các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh đến các cửa hàng tạp hóa… hàng nội đã chiếm tỷ lệ lớn so với hàng ngoại nhập. Tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Big C, hàng Việt chiếm 80-90%, thậm chí Vinatexmart có tỷ lệ hàng Việt chiếm 100%. Việc ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng thời trang “Made in Vietnam” đã chứng tỏ sức lan tỏa của thương hiệu Việt. Đặc biệt, với thị trường nông thôn, trước đây tràn ngập hàng Trung Quốc giá rẻ, giờ đây, bà con đã tìm đến với hàng Việt. Đó là nhờ những chuyến đưa hàng về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt được tổ chức liên tục tại vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi.

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 5 năm qua, các Sở Công Thương đã tổ chức gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 53.000 lượt doanh nghiệp (DN) tham gia cùng 48.000 gian hàng, thu hút trên 3 triệu lượt người dân địa phương đến tham quan, mua sắm, mang lại doanh thu hơn 34,47 ngàn tỷ đồng. Chị Bùi Thị Xuyến, ở thôn Váo, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội – chia sẻ: Trước đây, tôi cũng như nhiều bà con khác trong vùng không biết rõ về xuất xứ của sản phẩm, người bán bán gì thì mua nấy. Nhưng nay, nhờ có các phiên chợ hàng Việt, tôi có cơ hội biết và dùng hàng Việt nhiều hơn và rất an tâm khi sử dụng.

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), niềm tin và tình cảm của người dân Việt Nam đối với hàng nội không ngừng được nâng cao. Đến nay, có đến gần 80% người tiêu dùng trong nước đã tin tưởng chất lượng và mua hàng Việt. Điều này đã giúp hàng Việt nâng cao sức cạnh tranh, làm thay đổi suy nghĩ, thói quen sính hàng ngoại của người tiêu dùng.

Không chỉ hàng tiêu dùng, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị, máy móc của các doanh nghiệp đã tăng bình quân 25%. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế.

Sau 5 năm tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều DN đã xây dựng mạng lưới phân phối vững chắc. Đơn cử như Tập đoàn Dệt may (Vinatex) và các đơn vị thành viên đã tích cực mở rộng mạng lưới phân phối, hiện có tới 4.125 điểm bán hàng ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các tập đoàn, tổng công ty cũng đang tích cực mở thêm các điểm bán hàng tới khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Nhiều DN đã năng động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh, đem đến cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm chất lượng cao, ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong nước.Khẳng định vị thế, chiếm lĩnh thị trường lâu bền

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, vẫn còn xảy ra tình trạng các đơn vị, DN chưa tích cực nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm thiếu tính ổn định, cùng với tình trạng hàng lậu, hàng giả không được kiểm soát chặt chẽ… đã khiến một bộ phận người tiêu dùng chưa tin tưởng vào hàng Việt.

Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để hàng Việt có thể chiếm lĩnh thị trường lâu bền. Điều này phụ thuộc vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường các kênh phân phối ở vùng sâu, vùng xa và các chương trình kích cầu tiêu dùng của chính DN. Việc đưa hàng Việt vào chợ truyền thống đang gặp khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập lậu, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giá rẻ… Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với những sản phẩm do DN trong nước sản xuất vì thiếu hệ thống phân phối, thiếu quảng bá… Mặt khác, DN Việt Nam chưa thực sự chủ động trong việc khẳng định vị thế và chiếm chỗ đứng ở thị trường trong nước. Điều này, các DN Việt cần học hỏi từ DN nước ngoài, đặc biệt là DN Thái Lan, khi hiện nay họ đang dần tăng cao thị phần tại thị trường Việt Nam. Việc Metro Việt Nam đã về tay tỷ phú Thái Lan đã khiến không chỉ DN bán lẻ Việt Nam lo ngại mà những nhà sản xuất trong nước cũng hết sức lo lắng khi mạng lưới phân phối hàng Việt có nguy cơ bị thu hẹp. Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc, chúng ta cần có quy định về tỷ lệ bán hàng Việt đối với từng mặt hàng mà DN trong nước đã sản xuất tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Điều này không chỉ tạo cho DN sản xuất trong nước có cơ hội quảng bá sản phẩm, mà còn giúp người tiêu dùng khi đến những kênh phân phối hiện đại này tiếp cận được với hàng Việt.

Bên cạnh đó, tới đây, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015, các DN Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Bởi vậy, các DN Việt cần có chiến lược dài hạn và liên kết chặt chẽ để sản xuất hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp với từng đối tượng tiêu dùng. Có như vậy, hàng Việt mới chiếm lĩnh được thị trường nội địa một cách lâu bền.

Lê Kim Liên